Từ đại dịch COVID-19, cảnh báo việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã 

(Chinhphu.vn) – Mặc dù chưa có kết luận chính thức từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có phải bắt nguồn từ động vật hoang dã hay không, tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dịch bệnh COVID-19 có thể có nguồn gốc từ dơi truyền sang người qua tiếp xúc với vật chủ trung gian.

 

Ảnh: VGP/Hiền Minh

Tại buổi toạ đàm khoa học “Chính sách bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp của một số nước Châu Á, kinh nghiệm đối với Việt Nam” do cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Văn phòng Quốc hội Việt Nam tổ chức ngày 30/6, TS. Phạm Đình Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ, các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng, tỷ lệ tử vong của con người nhiễm bệnh do virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã luôn cao, như đối với Ebola là 50%, hay 60-75% với virus Nipah lây truyền qua loài dơi ở Nam Á.

Đại dịch COVID-19 mặc dù chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc virus SARS-CoV-2, tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dịch bệnh COVID-19 có thể có nguồn gốc từ dơi truyền sang người qua tiếp xúc với vật chủ trung gian. “Đây có thể coi là hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia trên thế giới cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và yêu cầu phải đặt ra biện pháp, chính sách ngăn chặn việc buôn bán, sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã”, TS. Phạm Đình Toản nhấn mạnh. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Steven Broad, Giám đốc Traffic Toàn cầu cũng nhấn mạnh, nhiều nghiên cứu đã chứng minh nguy cơ và ảnh hưởng của “bệnh lây truyền từ động vật sang người”, đó là những bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng lây từ động vật qua vật chủ trung gian (thường là động vật có xương sống) sang người.

Theo đó, những bệnh có thể kể đến như: Bệnh do virus Ebola, cúm gia cầm và sốt rét. WHO cũng đã liệt kê hơn 30 bệnh và nhóm bệnh chính lây truyền qua động vật. Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cũng báo cáo cứ 4 bệnh truyền nhiễm ở người thì 3 trong số đó có nguồn gốc từ động vật. Những bệnh đó có liên quan tới nhiều loài động vật thuần dưỡng và động vật hoang dã.

Việt Nam được coi là một trong những thị trường tiêu thụ và trung chuyển với số lượng lớn các sản phẩm liên quan tới động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác và tê tê. Tính từ tháng 1/2013 đến 12/2017 các cơ quan thực thi pháp luật đã tham gia, phát hiện bắt giữ xử lý 1.504 vụ vi phạm về săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt… động vật hoang dã trái pháp luật.

Cũng tại tọa đàm, chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Australia trong việc quản lý buôn bán động vật thực vật hoang dã, ông James Compton, Giám đốc cao cấp khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Tổ chức Traffic) cho biết, tại đất nước này, để xuất khẩu các loài động vật và thực vật bản địa Australia và hoặc các loại được liệt kê trong Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) phục vụ mục đích thương mại thì cần phải xây dựng một chương trình và được phê duyệt như một kế hoạch quản lý động vật hoang dã.

Theo đó, các kế hoạch quản lý động vật hoang dã phải bao gồm các hệ thống nhân giống phạm vi rộng và có thể do bang hoặc cơ quan chính phủ tại địa phương đó xây dựng (tương đương với cấp tỉnh, thành phố tại Việt Nam) và chịu trách nhiệm quản lý các loài đó. Kế hoạch quản lý động vật hoang dã thường sẽ được phê duyệt trong vòng 5 năm.

Ông James Compton cũng chỉ ra một kinh nghiệm khác mà Australia đã áp dụng thành công trong việc bảo vệ động vật hoang dã, đó là những hình phạt gần như cao nhất thế giới được thực thi tại đất nước này như 10 năm tù và phạt 210.000 đô la Úc với cá nhân cho tội buôn lậu động vật hoang dã.

Đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng chia sẻ, truyền thông thay đổi hành vi và nhận thức tới người dân trong việc dừng buôn bán và sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã cũng rất quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh truyền thông để tạo ra nhận thức buôn bán và sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã là không thể chấp nhận được.

Hiền Minh
189 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 912
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 912
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87191549