1. Tự chủ chiến lược - sự lựa chọn của Việt Nam
Trước bối cảnh thế giới, khu vực, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung gay gắt, phức tạp, để ứng phó, các nước dù lớn hay nhỏ hiện nay đề cập nhiều hơn tới khái niệm “tự chủ chiến lược”, thậm chí xác định đây là phương châm chủ đạo, lâu dài trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Nghĩa là, mỗi nước muốn giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của mình ổn định trong tình hình hiện nay, nhất định phải có đủ thế và lực cùng quyết tâm, bản lĩnh cao, kiên trì theo đuổi thực hiện mục tiêu, lý tưởng, phải xây dựng đường lối phát triển rõ ràng, trong đó, tự chủ chiến lược là nội dung căn cốt.
Quan niệm về tự chủ chiến lược của một quốc gia trong quan hệ quốc tế thường nhấn mạnh ba thành tố chính là: i) Sự độc lập của một quốc gia về ý chí và hành động. ii) Sự tích cực, chủ động trong triển khai đối ngoại, tập hợp lực lượng và thích ứng, định hình “luật chơi” để tạo dựng môi trường chiến lược thuận lợi nhất. iii) Tối đa hóa sức mạnh tổng hợp của một quốc gia để bảo vệ, triển khai hiệu quả các chiến lược, chính sách, trong đó nội lực đóng vai trò quyết định.
Khả năng tự chủ chiến lược của một quốc gia tùy thuộc vào việc quốc gia đó giải quyết tốt đến đâu mối quan hệ biện chứng giữa ba yếu tố: ý chí chính trị, khả năng tự quyết định và khả năng hành động. Thực tế cho thấy, một quốc gia dù có sức mạnh tổng hợp mạnh đến đâu, song nếu thiếu sự nhận thức, ý chí về tự chủ thì sẽ không bao giờ tự quyết định hoặc hành động một cách tự chủ được. Trong khi đó, không ít quốc gia tầm trung có sức mạnh tổng hợp quốc gia còn hạn chế, nhưng ngày càng thể hiện được sự tự chủ chiến lược của mình khi đưa ra các quyết định độc lập dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia, cho dù các quyết định đó có thể gặp phải sức ép lớn từ các cường quốc khác.
Ngoài những nhân tố chủ quan nêu trên, tự chủ chiến lược của một quốc gia còn chịu tác động của những nhân tố khách quan như: chiều hướng phát triển của cục diện quốc tế, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; khủng hoảng của chủ nghĩa đa phương toàn cầu, khu vực; xu hướng đánh giá lại toàn cầu hóa, phong trào dân túy; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19… cũng tác động mạnh, đẩy nhanh hơn quá trình nhận thức và thúc đẩy các quốc gia tăng cường tự chủ chiến lược.
Từ những phân tích trên có thể hiểu tự chủ chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung hiện nay là: phản ánh sự độc lập của một quốc gia trong việc lựa chọn các đối tác, tham gia những thỏa thuận hợp tác để bảo vệ và thực hiện các mục tiêu, lợi ích một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam lựa chọn đường lối tự chủ chiến lược. Nghĩa là,coi tự chủ chiến lược là vấn đề cốt lõi, trọng yếu, xuyên suốt trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam, ở mọi điều kiện và hoàn cảnh, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung hiện nay. Việt Nam tự quyết định mọi đường lối, chủ trương, chính sách và các hoạt động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung
Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung là cuộc tranh giành ngôi vị bá chủ khu vực và thế giới giữa Trung Quốc (một sức mạnh đang trỗi dậy) với Mỹ (một sức mạnh đã được thiết lập) dù được thể hiện công khai hay ngấm ngầm, thì nó đang ngày càng quyết liệt. Cuộc cạnh tranh này diễn ra trên tất cả các lĩnh vực ở tầm toàn cầu, nhưng trước hết trong giai đoạn hiện nay là tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nguyên nhân sâu xa của những cạnh tranh là từ sự chuyển biến của hệ thống quốc tế trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với một cấu trúc mới đang hình thành, đồng thời cũng từ chính sự khác biệt của thể chế chính trị ở hai cường quốc này.
Về tổng thể, trong cuộc cạnh tranh này hai nước đều có lợi ích duy trì trật tự hiện hành. Mỹ công nhận vị trí nước lớn của Trung Quốc và để ngỏ dư địa cho nước này đóng vai trò lớn hơn trong trật tự do Mỹ đứng đầu. Còn Trung Quốc chưa đủ sức xây dựng trật tự mới nên họ đang tiếp tục hưởng lợi khi hội nhập vào cục diện thế giới hiện nay. Chính phủ Mỹ tuy không hưởng ứng “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” nhưng nhất trí với Trung Quốc về mục tiêu của quan hệ Mỹ - Trung là không đi đến đối đầu. Trong những tuyên bố công khai, Mỹ và Trung Quốc đều yêu cầu tránh trở thành “đối thủ chiến lược một cách không cần thiết” và “cùng thắng”. Mỹ cũng không cản trở đồng minh hay đối tác của mình phát triển quan hệ với Trung Quốc và nước này cần Trung Quốc như một đối tác không thể thiếu cho sự phát triển, cùng sự hỗ trợ của cường quốc này để giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu.
Với Trung Quốc, Đại hội XX của Đảng Cộng sản (2022), đã định hình và làm rõ tư duy, đường hướng chính sách, nhất là mối quan hệ giữa an ninh và phát triển. Đại hội XX tiếp tục bổ sung những sáng kiến, tầm nhìn chiến lược được đưa ra trước đó, như Chiến lược “vòng tuần hoàn kép”, Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” (GCI), đề xuất một mô hình Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc để tiếp tới xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Những sáng kiến chiến lược này là cơ sở để Trung Quốc tiếp tục hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” và theo đuổi tầm nhìn về một trật tự khu vực, thế giới mới khác với trật tự vốn là sựthống trị và thiết kế theo quy chuẩn của phương Tây.
Với Mỹ, nước này đẩy mạnh các cơ chế hợp tác đa tầng nấc theo mô hình “tiểu đa phương” trong khu vực với các đồng minh, đối tác, nhằm chia sẻ lợi ích, như: Nhóm Bộ Tứ (QUAD), Mỹ - Australia - Anh (AUKUS), Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc và Mỹ - Nhật Bản - Philippines (JAPHUS 4/2024).
Có thể thấy, hai cường quốc vừa tạo công cụ phục vụ cạnh tranh vừa nỗ lực cung cấp “sản phẩm công” cho khu vực và thế giới. Các cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 Bali (Indonesia) vào tháng 11/2022 và Hội nghị APEC (San Francisco - tháng 11/2023) cũng phản ánh: hai cường quốc vừa cạnh tranh vừa gia tăng khả năng tự chủ, nhưng không loại bỏ hợp tác, đồng thời thống nhất cùng nhau quản trị cạnh tranh không để xảy ra xung đột, chiến tranh. Tuy nhiên, cả hai đều được cho là đang ở trong “thế kẹt” của chủ nghĩa dân tộc nước lớn, khiến việc hợp tác ngày càng khó khăn. Vì thế, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc sẽ tiếp tục là xu hướng lâu dài, với tâm điểm là sự phân tách công nghệ và “bàn cờ” chiến lược, tác động mạnh đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
3. Vị trí của Việt Nam trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung
Việt Nam là một nước nhỏ, tiềm lực quốc gia vẫn còn hạn chế, điều này đã quyết định cách tiếp cận thận trọng của mình trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Đối sách của Việt Nam trong quan hệ với nước lớn từ khi Đổi mới (1986) là kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và cân bằng quan hệ với các nước lớn.
Trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (IPS) của Mỹ cũng như Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc, Việt Nam đều giữ vị trí và có vai trò rất quan trọng. Có thể thấy, cả góc độ địa chiến lược lẫn ý thức hình thái, Việt Nam đều là “vị trí then chốt” trong chiến lược của hai nước lớn này. Nên, trong cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, việc lôi kéo, giành được sự ủng hộ của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai bên. Vậy làm thế nào để cân bằng được mối quan hệ trong cạnh tranh chiến lược giữa hai nước lớn, mở rộng không gian chiến lược và phát triển của mình,? đây thực sự là bài toán khó cho Việt Nam.
Bằng tự chủ chiến lược Việt Nam “giải bài toán” cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung:Với quyết tâm chính trị cao, nhãn quan khoa học, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, nhất là Đảng, Nhà nước ta vững vàng, kiên định tự chủ chiến lược, Việt Nam đã giải được “bài toán” cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Điều đó được thể hiện ở đường lối đổi mới, chủ động tích cực và giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế; các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,… đều mang đậm tính tự chủ chiến lược. Qua 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 33 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” .
Việt Nam đã giải được “bài toán hóc búa” từ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, không để mình bị “mắc kẹt”, không biến mình thành “bãi chiến trường”, mà lại thiết lập, nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, không để xảy ra nghi kỵ, đối đầu, giữ được hòa bình và được cả hai cường quốc hợp tác, ủng hộ. Việt Nam nhận thấy, mặc dù cạnh tranh, nhưng hai cường quốc vẫn đang cung cấp những “dịch vụ công” cho khu vực và thế giới. Mỹ cung cấp dịch vụ an ninh: tự do hàng không, hàng hải… cho khu vực, toàn cầu thông qua tập hợp lực lượng của các cơ chế: NATO (1949)…JAPHUS (2024)…Còn Trung Quốc cung cấp những dịch vụ an ninh nội bộ như: năng lực chấp pháp, thực thi pháp luật, chống bạo loạn, khủng bố, “cách mạng sắc màu”…Việt Nam hóa giải bằng cách tạo dựng lòng tin chiến lược với các cường quốc này. Rằng, Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, không chọn bên, không gây hại cho ai, mà lại hỗ trợ tốt hơn các mục tiêu chiến lược của họ. Việt Nam công khai, minh bạch, chân thành mong muốn hợp tác tốt với cả Mỹ và Trung Quốc để cùng nhau phát triển.Hợp tác với Mỹ sẽ “khắc chế” được tham vọng chủ quyền, lãnh hải ở biển Đông của Trung Quốc, còn hợp tác với Trung Quốc sẽ hóa giải được “diễn biến hòa bình”, “dân chủ, nhân quyền”, “cách mạng sắc màu” của Mỹ.
4.Cơ hội và thách thức
- Cơ hội:
Bằng đường lối tự chủ chiến lược “giải bài toán” cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã đem lại cho Việt Nam những cơ hội lớn chưa từng có. Cụ thể:
Một là, đem lại thế và lực mới cho Việt Nam: chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường.
Hai là, tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại ổn định, duy trì môi trường hòa bình và thuận lợi để phát triển.Củng cố quan hệ bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích.
Ba là, đưa lại cơ hội chưa từng có trong phát triển ngành kinh tế “mũi nhọn” và khả năng tham gia “chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập với khu vực và quốc tế, với đường lối độc lập, tự chủ, Việt Nam đã Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với tất cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 6 trên 7 nước thuộc Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) . Như vậy,Việt Nam đã “sánh vai với các cường quốc 5 châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
- Thách thức:
Tuy Việt Nam có những cơ hội lớn chưa từng có, nhưng đó vẫn ở dạng tiềm năng, chúng ta còn muôn vàn khó khăn thách thức ở phía trước. Nói một cách hình tượng là “chúng ta đã đứng ngang hàng với các cường quốc, nhưng được bao lâu,? có đồng hành được với họ trong tiến trình phát triển tới đây không?”.
Do đó về đối nội: khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay của Việt Nam chính là “tổ chức thực hiện” - điều này trong suốt gần 40 năm đổi mới vẫn luôn được đánh giá là khâu yếu kém nhất.
Về đối ngoại: Vị thế Việt Nam ngày càng tăng lên thì việc cân bằng quan hệ với các bên, nhất là với hai cường quốc hàng đầu Mỹ và Trung Quốc vì lợi ích quốc gia sẽ tiếp tục là bài toán cân não trong những năm tới.
5. Cụ thể và hoàn thiện những giải pháp để bảo đảm tự chủ chiến lược trong bối cảnh mới
Thứ nhất, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vẫn tiếp tục căng thẳng, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với cả Trung Quốc và Mỹ, chúng ta cần tiếp tục nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, tạo thêm “thế” và “lực”, tăng cường vị thế chiến lược của Việt Nam trong các mối quan hệ với hai đối tác này. Việt Nam cần tiếp tục xây dựng quan hệ thực chất, ổn định lâu dài với cả Trung Quốc và Mỹ; cần xác định chính sách đối với các đối tác nước lớn hàng đầu phải được coi là bộ phận cốt lõi trong tổng thể chính sách đối ngoại. Trong tình hình phức tạp hiện nay phải thấy rõ tính chất đan xen, sự chuyển hóa linh hoạt giữa đối tác, đối tượng để vừa đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh giải quyết bất đồng và cùng phát triển, vì lợi ích chiến lược chung của mỗi quốc gia và của toàn khu vực.
Thứ hai, mục đích của tự chủ chiến lược trước hết là để giảm thiểu áp lực, thế bị động từ cạnh tranh nước lớn, ứng xử hiệu quả với các lực kéo, đẩy, sức ép chọn bên, tránh nguy cơ bị “kẹt”. Cần quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại nói chung cũng như trong quan hệ với các nước lớn là giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và cao nhất, lấy đó làm tiêu chí hàng đầu để xác định hay điều chỉnh biện pháp chính sách một cách kịp thời, linh hoạt, khôn khéo. Kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, vận dụng sáng tạo phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh về “thêm bạn bớt thù”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Thứ ba, trong quan hệ với các nước lớn nói chung và trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung cần tiếp tục nhất quán chủ trương không đi với nước lớn này chống nước lớn khác; không tham gia mọi liên minh chống nước thứ ba; thúc đẩy hợp tác nhưng đồng thời kiên quyết, chủ động, thực tế và khôn khéo đấu tranh để có thể duy trì, bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc. Tập trung xây dựng thực lực vững vàng, giữ vững độc lập tự chủ, ổn định và đoàn kết, thống nhất đồng thuận trong triển khai chính sách với các nước lớn. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chiến lược cùng các nước lớn. Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả hơn nữa trên cơ sở nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trong các tổ chức quốc tế và khu vực mà Việt Nam là thành viên.
Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt hiện nay, việc Việt Nam hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại tự chủ chiến lược qua đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, cân bằng quan hệ với các nước lớn giúp đất nước giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại, vừa khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, tin cậy và có trách nhiệm, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vững vàng, kiên định tự chủ chiến lược nhất định chúng ta sẽ tìm được phương cách tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức, bảo vệ Tổ quốc trước những biến động của thời cuộc, đưa nước ta thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./. Văn Lãn (Nguồn Ban Tuyên giáo TW)