|
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Sau khi bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, bài viết đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận xã hội, nhất là của các nhà nghiên cứu lý luận.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi sâu về bản “luận cương mới” này.
Thưa Giáo sư, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lý giải thế nào về sự đúng đắn của con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luận giải sề sự đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên trì thực hiện. Bài viết của Tổng Bí thư chỉ ra sự đúng đắn đó dựa trên ba cơ sở sau đây.
Thứ nhất, về mặt lý luận, chủ nghĩa Marx-Lenin là học thuyết khoa học, đã dựa vào sự nghiên cứu, tổng kết toàn bộ lịch sử tồn tại, phát triển của loài người để khái quát về tính quy luật của nó. Theo tính quy luật của sự tiến hóa ấy, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, như Cương lĩnh 2011 của Đảng ta đã khẳng định.
Thứ hai, chủ nghĩa tư bản có phải là tốt đẹp và mãi mãi trường tồn không? Trả lời được câu hỏi này chính là một minh chứng thuyết phục cho sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội là đúng đắn. Bằng sự phân tích đầy thuyết phục về thực trạng và những vấn đề đang đặt ra của chủ nghĩa tư bản hiện nay, bài viết của Tổng Bí thư đã chỉ ra rằng, chủ nghĩa tư bản và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thực sự không bền vững một cách toàn diện, cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái.
Thứ ba, chính thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 90 năm qua, nhất là trong 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, là minh chứng thực tế hùng hồn cho sự đúng đắn, sáng suốt của lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Kiên trì với đường lối giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành được và giữ vững độc lập, thống nhất, bảo vệ vững chắc lãnh thổ, chủ quyền đất nước. Đặc biệt, chúng ta đã thu được những thành tựu có tính lịch sử trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, cải thiện toàn diện đời sống của nhân dân, làm cho nhân dân ta ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc, ngày càng có điều kiện được phát triển toàn diện.
Những cơ sở ấy cũng chính là nền tảng thực tế và luận cứ khoa học vững chắc để chúng ta phản bác lại những âm mưu, luận điệu thù địch, chống phá, lấy sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu để tâng bốc cho chủ nghĩa tư bản, bài bác chủ nghĩa xã hội.
Giáo sư có thể giải thích rõ hơn về chủ nghĩa xã hội mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đến trong bài viết?
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn: Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng xây dựng chủ nghĩa xã hội là vấn đề mà chúng ta luôn trăn trở suy nghĩ vì đó là vấn đề rất quan trọng. Đây không chỉ là vấn đề lý luận mà còn là vấn đề thực tiễn, rất thực tiễn, vấn đề sống còn, quyết định thành bại của chế độ. Nói cách khác, đó cũng chính là vấn đề xác định mục tiêu, chỉ ra đích ta đi tới, cái ta muốn xây dựng là gì. Không xác định đúng những vấn đề đó thì khó có thể đi đến thành công. Vì thế, sự trăn trở, suy nghĩ, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tìm ra những bài học từ thế giới cũng là điều tất nhiên, không thể khác được.
Vậy chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng là gì? Nội dung đó đã đề cập trong Cương lĩnh 1991 và bổ sung hoàn thiện một bước trong Cương lĩnh 2011. Đó là một xã hội có mục tiêu khái quát: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Xã hội ấy có các lĩnh vực với đặc trưng được xác định rất rõ ràng, đó là: Chủ nhân của xã hội là nhân dân; kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp; văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; quan hệ dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Đây chính là kết quả nhận thức của Đảng ta về mô hình chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Bởi vì, mỗi giai đoạn phát triển đều có những thay đổi về bối cảnh, điều kiện cho nên sẽ dẫn tới những điều chỉnh mục tiêu cho thích hợp và có những yêu cầu, phương pháp, cách thức mới để thực hiện mục tiêu có hiệu quả. Song mô hình chủ nghĩa xã hội hiện nay là kết quả sáng tạo của riêng Việt Nam, dựa trên những nguyên lý cơ bản của học thuyết Marx-Lenin về chủ nghĩa xã hội và điều kiện, hoàn cảnh riêng có của nước ta.
Một số người cho rằng, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta không thuyết phục, thiếu thực tế, ví dụ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Giáo sư có thể giải thích như thế nào về những ý kiến đó?
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn: Những người nói rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không tồn tại, không có thật, cũng giống như họ khẳng định rằng Việt Nam không có núi Trường Sơn, thế giới không có núi Himalaya. Bởi vì họ cố tình nhắm mắt, nói lấy được, nói mà không nhìn thấy thực tế ngay trước mắt. Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đầy đủ nội dung, tính chất và đặc điểm của nó. Tổng Bí thư chỉ khẳng định rằng đó là một đột phá lý luận rất cơ bản, sáng tạo của chúng ta, là kết quả nhận thức lý luận từ thực tiễn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới.
Trên thực tế, nền kinh tế thị trường là nền kinh tế đặc trưng của sản xuất hàng hóa, gắn liền với quy luật giá trị, quy luật cung cầu nhưng có những biểu hiện rất khác nhau ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Sự khác nhau đó tùy thuộc vào mức độ phát triển, nhận thức về lợi ích và phương thức quản lý, mức độ can thiệp trong điều hành của nhà nước. Vì thế mới có nền kinh tế thị trường ở Mỹ khác với nền kinh tế thị trường ở Thụy Điển, nền kinh tế thị trường ở Pháp khác nền kinh tế thị trường ở Singapore... Nền kinh tế thị trường của Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng đó, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra trong bài viết, là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách. Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải tạo ra động lực để phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Nói về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng vậy. Nói cô đọng nhất, nhà nước pháp quyền là nhà nước thượng tôn pháp luật, điều chỉnh mọi hành vi xã hội bằng pháp luật. Vấn đề khác nhau là ở chỗ pháp luật của nhà nước đó do ai và vì ai. Nhà nước của ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì nó mang tính chất xã hội chủ nghĩa, nghĩa là nó là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Mọi quyền lực trong nhà nước đó thuộc về nhân dân. Hiến pháp và mọi luật pháp của nhà nước đó vì lợi ích của nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Như vậy, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước vừa phù hợp với quy luật, vừa nhân văn, tiến bộ vì nó phục vụ cho nhân dân.
Một vấn đề nữa được Tổng Bí thư nêu trong bài viết là vấn đề quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Giáo sư có thể phân tích thêm về vấn đề này?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Lý luận về quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội rất quan trọng, đôi khi chúng ta không nhận thức đúng dẫn tới những bức xúc, nóng vội, dẫn tới những bước đi sai lầm trong quá trình đề ra và thực hiện đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước.
Như Tổng Bí thư đã nói, chính từ trong thực tiễn lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước, Đảng ta đã nhận thức rõ hơn về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, rằng đó là một sự nghiệp lâu dài, khó khăn, vô cùng phức tạp nhưng hết sức sáng tạo. Bởi vì nó phải tạo ra sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nói như Bác Hồ, đó là một sự nghiệp “khổng lồ”. Chúng ta phải xây dựng được lực lượng sản xuất hiện đại, mang lại năng suất lao động cao. Chúng ta phải xây dựng được một nhà nước hiện đại, làm việc khoa học, hiệu quả, hết lòng vì nhân dân. Chúng ta phải xây dựng được một nền văn hóa tiên tiến, có tính dân tộc, kết tinh được tinh hoa văn hóa nhân loại. Chúng ta phải xây dựng, giáo dục, rèn luyện con người phát triển toàn diện cả thể chất và tâm hồn... Với những công việc khổng lồ như thế, làm sao có thể giải quyết trong một sớm, một chiều, trong vài ba chục năm được.
Tại sao ở các nước công nghiệp phát triển, không có chủ nghĩa xã hội mà họ hiện đại thế, họ giàu có thế? Câu hỏi đó quá dễ hiểu. Bởi vì họ có hàng trăm năm xây dựng. Tôi muốn nói là hàng trăm năm chứ không phải hàng chục năm. Bao nhiêu sức người, sức của đã bỏ ra mới có những thành phố hiện đại thế, mới có những tiện nghi giàu có thế. Còn chúng ta, qua 30 năm chiến tranh tàn phá, tiếp theo 15 năm trong tình trạng có chiến tranh và bị bao vây cấm vận, thực tế chỉ mới có hơn 30 năm xây dựng hòa bình, kể từ năm 1990 sau khi biên giới Tây Nam hoàn toàn hòa bình, ổn định. Bởi thế, những gì ta có hôm nay là có ý nghĩa lịch sử, là rất to lớn, là rất đáng trân trọng. Bác Hồ đã nói rằng, Đảng chỉ ra đường lối đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của nhân dân.
Nhưng con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự kiên định lập trường, quyết tâm chính trị và sự sáng tạo không mệt mỏi ấy, cũng là con đường không ngừng cải thiện toàn diện đời sống nhân dân, làm cho nhân dân được hưởng thụ kịp thời, công bằng, xứng đáng những với những thành tựu phát triển của đất nước. Đó cũng là một khía cạnh mang tính ưu việt của chế độ chúng ta.
Có nhà nghiên cứu lý luận cho rằng bài viết của Tổng Bí thư như một luận cương mới, rất cơ bản về chủ nghĩa xã hội. Giáo sư nhận xét như thế nào về luận điểm này?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Có thể hiểu luận cương mới về chủ nghĩa xã hội là những cơ sở nền tảng về lý luận chuẩn bị cho đường lối, định hướng chính sách xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước. Nói đến luận cương chính trị, chúng ta có thể nhớ đến bản Luận cương Chính trị tháng 10/1930 của đồng chí Trần Phú, Luận cương về cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày tại Đại hội II của Đảng năm 1951. Tại sao gọi bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "luận cương mới về chủ nghĩa xã hội"? Vì bài viết của Tổng Bí thư đã đề cập những vấn đề lý luận cơ bản, khái quát về bối cảnh hiện nay, về nhận thức luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và những nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta trên con đường xây dựng, phát triển đất nước sắp tới.
Đặc biệt, Tổng Bí thư đặt ra và phân tích, đánh giá nhận thức lý luận của Đảng ta về một mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đó là kết quả sự vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Marx-Lenin về chủ nghĩa xã hội vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, một nước nông nghiệp lạc hậu, trải qua chiến tranh tàn phá, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa là bỏ qua thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa do giới tư bản chóp bu chi phối nhằm bảo vệ lợi ích của giới chủ tư bản nhưng không bỏ qua những thành tựu phát triển, tiến bộ mọi mặt, ngược lại phải tiếp thu, kế thừa để phục vụ chế độ mới.
Đây chính là những cơ sở lý luận, thực tiễn cơ bản nhất về chủ nghĩa xã hội Việt Nam, mang tính chất sáng tạo, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là cơ sở để Đảng hoạch định đường lối, Nhà nước xây dựng các chính sách nhằm xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới. Chính vì vậy, có thể coi bài viết của Tổng Bí thư là một bản luận cương rất cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Từ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta có thể thấy cần quan tâm, chú ý đến những vấn đề gì để có thể thực hiện thành công công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới, thưa Giáo sư?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Trong bài viết của Tổng Bí thư đã chỉ ra rất rõ 3 vấn đề mà chúng ta phải quan tâm, coi như 3 điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm cho thắng lợi của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Thứ nhất, trên cơ sở nhận thức xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, hướng đích liên tục, không thể nóng vội, để khơi dậy mạnh mẽ niềm tin, thái độ tham gia tích cực, sức mạnh ''dời non lấp biển'' của nhân dân. Bởi vì “sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.
Thứ hai, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Hơn lúc nào hết, trong điều kiện quốc tế phức tạp, biến động nhanh chóng, khó lường như ngày nay, trước yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Đảng phải mạnh mẽ, trong sạch, sáng tạo, quyền biến để có thể đề ra đường lối chủ trương, tạo dựng niềm tin của nhân dân, lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị to lớn.
Thứ ba, chúng ta phải luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Kinh nghiệm từ sự đổ vỡ ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã cho thấy tác hại không thể sửa chữa của sự dao động về tư tưởng, định hướng mục tiêu cách mạng. Không chỉ kiên định là đủ, chúng ta phải luôn sáng tạo, phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn để mang được hơi thở của thời đại, không lạc hậu với cuộc sống.
Theo Giáo sư, bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa gì đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Bất cứ một cuộc cách mạng xã hội nào, việc xác định mục tiêu và chọn đường để thực hiện mục tiêu bao giờ cũng là 2 yếu tố gắn bó chặt chẽ với nhau tạo nên một trong những cơ sở quyết định sự thành công hay thất bại. Mục tiêu đúng đắn sẽ trở thành ngọn cờ hiệu triệu có sức lay động lòng người, thu hút sự quan tâm động viên, thúc đẩy mọi người đi theo con đường đó. Bài viết của Tổng Bí thư không chỉ xác định mục tiêu và phân tích làm rõ con đường để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà còn làm rõ nhiều vấn đề cơ bản về công cuộc xây dựng phát triển đất nước ta hiện nay.
Có thể nói, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự trình bày, luận giải rõ ràng, có sức thuyết phục về lý luận, trả lời một cách dễ hiểu những băn khoăn, vướng mắc lâu nay trong xã hội liên quan đến mục tiêu và con đường đi tới của đất nước. Về mặt thực tế, những cải thiện toàn diện về vật chất và tinh thần, những mối quan hệ yêu thương, chia sẻ trong xã hội, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, đã mang lại cho mỗi người dân Việt Nam cảm nhận hạnh phúc đáng trân trọng, tự hào. Đó chính là cơ sở mà bài viết đã đặt ra để khơi dậy niềm tin, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của nhân dân về chế độ, về đất nước và về Đảng Cộng sản. Và có niềm tin của nhân dân chúng ta sẽ có tất cả!
Phương Liên (thực hiện)