Truyền thông quốc tế khẳng định thành công nổi bật của Việt Nam trong chống dịch 

(Chinhphu.vn) - Ngày 30/5, CNN đã có bài viết rất chi tiết ca ngợi về các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại Việt Nam.

 

Một phụ nữ xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong một trung tâm kiểm dịch dã chiến gần Bệnh viện Bạch Mai hôm 31/3. Ảnh: AFP

Bài viết nhấn mạnh, Việt Nam đã chuẩn bị nhiều tuần trước khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên xuất hiện. Ở thời điểm nhiều quốc gia đều khẳng định "không có bằng chứng rõ ràng" về việc lây từ người sang người, Việt Nam đã không do dự thực hiện ngay các biện pháp phòng tránh lây nhiễm. Nhiều biện pháp khác cũng được đánh giá cao như phong tỏa các khu vực nghi ngờ, tuyên truyền hiệu quả qua nhiều phương tiện.

Tại Việt Nam, đã 44 ngày không có ca lây nhiễm mới từ cộng đồng. Ngày 30/5, Việt Nam chỉ phát hiện thêm 1 ca nhiễm COVID-19 mới. Bệnh nhân này đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Đất nước 97 triệu dân không ghi nhận một ca tử vong nào do COVID-19 và chỉ 328 ca nhiễm, dù có đường biên giới dài giáp Trung Quốc và mỗi năm đón tiếp hàng triệu khách du lịch Trung Quốc. Đáng chú ý hơn khi Việt Nam là nước có thu nhập trung bình. Bình quân bác sĩ trên đầu người ở Việt Nam là 8/10.000, bằng một phần ba so với Hàn Quốc, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngày 30/5, số người mắc COVID-19 trên thế giới đã chạm mốc 6 triệu ca với hơn 366.000 trường hợp tử vong. Ngày 30/5 cũng là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở mức hơn 100.000 người/ngày.

Mặc dù ngày càng có thêm nhiều quốc gia khẳng định đã kiểm soát được phần nào dịch bệnh nhưng những con số dưới đây sẽ cho chúng ta thấy COVID-19 vẫn đang là mối lo lắng toàn cầu:

- Tháng 12/2019: Những ca mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới được phát hiện ở Trung Quốc.

- 4 tháng sau, thế giới cán mốc 1 triệu người mắc COVID-19.

- Ở các mốc thời gian tiếp theo, trung bình cứ hơn 10 ngày lại có thêm 1 triệu người mắc COVID-19. Ngày 15/4: 2 triệu người mắc COVID-19; ngày 274: 3 triệu người; ngày 9/5: 4 triệu người, ngày 20/5: 5 triệu người; ngày 30/5: 6 triệu người.

Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, những tâm dịch đầu tiên trên thế giới, những ổ bệnh có dấu hiệu xuất hiện trở lại. Các biện pháp giãn cách đã được tái áp dụng sau một thời gian được xóa bỏ. Ở tâm dịch COVID-19 mới là châu Mỹ, số người mắc COVID-19 tiếp tục tăng vọt với hai quốc gia dẫn đầu là Brazil và Mỹ.

Một trong những nước thành công nhất châu Á trong chống dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trang mạng Eastasiaforum.org ngày 28/5 đăng bài viết đánh giá Việt Nam là một trong những nước thành công nhất ở châu Á trong việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo bài viết, Việt Nam đã thể hiện sự công khai, minh bạch cao trong đối phó với khủng hoảng dịch bệnh, thường xuyên thông tin trên truyền hình và cập nhật cho người dân về tình hình dịch bệnh thông qua tin nhắn. Do vậy, trên các phương tiện truyền thông quốc gia có rất nhiều những lời ca ngợi của người dân về các biện pháp đối phó hiệu quả của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam trước dịch bệnh. Không chỉ vậy, lực lượng quân đội và công an đều giành được tình cảm của người dân khi luôn sát cánh với người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh và uy tín của hai lực lượng này đã tăng lên chưa từng có. 

Bài viết khẳng định sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng danh tiếng của Việt Nam trên trường quốc tế. So với các nước cũng thành công trong việc chống dịch, ngân sách Việt Nam dành cho y tế còn hạn hẹp, nhưng thành tích về dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Việt Nam "thật đáng kinh ngạc". Việt Nam đã đem lại một hình mẫu để các nước khác trong khu vực, với những nguồn lực còn hạn chế, học hỏi trong việc khống chế dịch bệnh COVID-19. .

Bài viết nêu rõ không chỉ khống chế thành công virus SARS-CoV-2, Việt Nam còn hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các nước khác, thậm chí còn hợp tác sản xuất bộ đồ bảo hộ y tế cho Mỹ. Trang mạng Eastasiaforum.org nhấn mạnh sự hỗ trợ của Việt Nam đã phản ánh tinh thần và ý thức trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Việt Nam hiện đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Theo bài viết, với khả năng nổi bật trong đối phó với dịch bệnh, tinh thần hợp tác và tính công khai minh bạch, Việt Nam chắc chắn sẽ giành được nhiều sự ủng hộ hơn của quốc tế trong tương lai.

Cũng theo bài viết, ngoài việc ưu tiên các nguồn lực cho chống dịch, Việt Nam cũng đã thực hiện các chính sách nhằm giảm nhẹ tác động kinh tế của dịch COVID-19 như việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 11 đề ra các biện pháp nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bài viết kết luận Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch nhờ sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với năng lực và sự kiên cường của Chính phủ. Thành công của Việt Nam trong việc khống chế đại dịch sẽ giúp Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn cho các công ty phương Tây đầu tư trong giai đoạn hậu COVID-19, đặc biệt là các công ty từ Mỹ hay châu Âu.

Thành tích “độc nhất vô nhị”

Cũng theo TTXVN, tờ "Globe and Mail" của Canada ngày 27/5 cũng đăng bài đánh giá “thành tích của Việt Nam trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 là đặc biệt nổi bật, có thể nói là độc nhất vô nhị” và gọi đây là “chuẩn mực trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19".

Theo bài viết, Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 4/2020. Bệnh nhân số 91, một công dân Anh, 43 tuổi, phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines, hiện đang được hỗ trợ sự sống tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh và việc cứu bệnh nhân 91 đã trở thành ưu tiên của Việt Nam. Tình trạng của bệnh nhân này từng xấu đến mức đã có thời điểm chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động.

Bài viết nhấn mạnh thành công của Việt Nam không phải ngẫu nhiên. Việc có chung đường biên giới dài 1.450 km với Trung Quốc và thường xuyên đón du khách từ Vũ Hán khiến Việt Nam có thể đối diện tình trạng "quá tải" các ca nhiễm. Tuy nhiên, Việt Nam đã hành động nhanh chóng và không chờ đến những cảnh báo chính thức từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước khi đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động kinh tế và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, áp dụng các biện pháp truy dấu tiếp xúc và cách ly.

Giáo sư về bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam hành động mau lẹ vì đã nhận thức rõ các mối nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm chưa được kiểm soát. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã phải chống chọi với sự bùng phát của dịch SARS, cúm gia cầm, sởi, sốt xuất huyết và dịch tay-chân-miệng. Người Việt Nam ý thức rõ về mối de dọa của các bệnh truyền nhiễm và biết rằng cần phải xử lý sớm dịch bệnh. Việt Nam đã chuẩn bị tốt”.

Một báo cáo về cách ứng phó của Việt Nam với đại dịch COVID-19, do Giáo sư Thwaites cùng khoảng 20 bác sĩ và nhà khoa học soạn thảo, đã kết luận rằng lệnh phong tỏa được ban hành sớm, cộng với xét nghiệm trên diện rộng, truy dấu tiếp xúc và cách ly bắt buộc đối với người đã tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2 là những yếu tố giúp làm nên thành công của Việt Nam. Biện pháp truy dấu tiếp xúc và cách ly đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh gần một nửa số ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng bệnh. Tính đến đầu tháng 5/2020, hơn 200.000 người đã được cách ly trong các doanh trại, các khách sạn hay tại nhà.

Giáo sư Thwaites cho biết nỗ lực truy dấu dịch bệnh của Việt Nam không phụ thuộc vào công nghệ tinh vi, mà theo cách “cổ” của dịch tễ học. Phần lớn các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Việt Nam là người nhập cảnh, trong đó có cả các công dân Việt Nam. 

Giáo sư Thwaites cũng bày tỏ tin tưởng về độ chính xác của những thống kê số ca nhiễm thấp và không có trường hợp tử vong do COVID-19 tại Việt Nam, khi ông được tiếp cận với số liệu chính thức và qua chuyến thăm các bệnh viện./.

219 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1292
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1292
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87170926