Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với các Doanh nghiệp
 Công nghệ thông tin Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Truyền thông Nhật Bản trong các ngày 5 - 6/6 đã đưa tin đậm nét về phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện, trong đó nhấn mạnh đến quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề toàn cầu hóa.

Tờ Sankei tối 5/6 nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức, đề cập đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng “cho dù Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn mong muốn hợp tác với Nhật Bản để đi đến đích”.  Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Kuniharu Nakamura (Xư-mi-tô-mô Cư-ni-ha-rư Na-ca-mư-ra) về quan điểm của Việt Nam đối với TPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “Việc Mỹ rút khỏi TPP là điều mà Việt Nam không mong đợi, song cho dù không có Mỹ tham gia, Việt Nam vẫn muốn các cân nhắc việc xúc tiến thỏa thuận này”. Thủ tướng Việt Nam cũng đề cập đến khả năng thay đổi phương hướng trong tương lai và kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Với tiêu đề “Thủ tướng Việt Nam: Toàn cầu hóa- xu thế không thể tránh”, báo Nikkei cho biết trong bài phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ quan điểm không tán thành việc chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện tại một số nước. Liên quan đến an ninh và ổn định của châu Á, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh “việc các quốc gia hành động có trách nhiệm, dựa trên quy định của luật phát là điều cần thiết”.

Ngoài ra, báo Nikkei còn dẫn nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “Tự do thương mại- con đường chủ đạo của châu Á” làm tiêu đề cho bài viết khác đề cập đến phát biểu của các lãnh đạo hàng đầu khu vực và thế giới tại Hội nghị Tương lai châu Á. Theo báo này, tại hội nghị, Thủ tướng Việt Nam đã nhấn mạnh “toàn cầu hóa là xu thế tất yếu”, phản đối chủ nghĩa bảo hộ, khẳng định tầm quan trọng của việc châu Á tiếp tục theo đuổi tự do thương mại.  Thủ tướng nhấn mạnh rằng toàn cầu hóa “không đơn thuần là một tiến trình kinh tế mà còn phản ánh mong muốn của nhân loại để tiến xa hơn, đạt đến thịnh vượng và hóa giải các thách thức”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên các vấn đề mà châu Á đang đối mặt gồm khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mâu thuẫn tôn giáo, các vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng cho rằng các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa ngày một nhiều của Triều Tiên đe dọa gây tổn hại an toàn của châu Á và điều này sẽ ảnh hưởng đến xấu đến kinh tế và thương mại khu vực.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ quan ngại trước những động thái của Trung Quốc mở rộng hoạt động xây dựng các cơ sở quân sự trên Biển Đông, coi đây là hành động đe dọa an toàn và tự do hàng hải, tự do hàng không.

Trong khi đó, tờ Nikkei Asian Review đã đăng bài phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Với tiêu đề “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam đang cân nhắc các lựa chọn cho đàm phán TPP”, bài báo cho biết Việt Nam đang cân nhắc lĩnh vực nào trong TPP cần đàm phán lại sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện này. Bên lề Hội nghị Tương lai châu Á, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam đã chỉ thị Bộ trưởng Công thương thảo luận với các nước thành viên TPP về các lựa chọn để tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận này với mục tiêu là tìm ra con đường để cân bằng và điều hòa lợi ích giữa các nước thành viên.

Liên quan vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến “trách nhiệm chung của mỗi nước duy trì hòa bình tại khu vực này”, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực “theo đuổi hòa bình và hữu nghị”, “tự do hàng hải” và “quy định của luật pháp”./. 

Theo TTXVN