Tham dự cùng đoàn có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và địa phương.
Đồng chí Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, Bí danh là Lành, sinh ngày 4/10/1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 12 tuổi mẹ mất; năm 13 tuổi vào học tại trường Quốc học Huế. Ông có sự hài hoà đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ.
|
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022), chiều ngày 26/7, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trưởng đoàn công tác đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu. |
Tố Hữu là nhà thơ mới, hiện đại, sâu sắc, tập trung chuyển tải những tình cảm lớn của Nhân dân trong suốt hành trình lịch sử của Đảng và của dân tộc Việt Nam. Ông còn là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú của Đảng trên mặt trận tư tưởng-văn hoá, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, ông đã từng giữ các chức vị quan trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi những dòng lưu bút bày tỏ lòng ơn vô hạn, tri ân sâu sắc đối với sự cống hiến của nhà thơ Tố Hữu. |
Tại Khu tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, tri ân sâu sắc đối với sự cống hiến của nhà thơ Tố Hữu.
Sau lễ dâng hương tưởng niệm, Đoàn đã tham quan Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu, là nơi gìn giữ, trưng bày các tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Tố Hữu. Công trình được xây dựng tại khu vườn mà thuở thiếu thời nhà thơ Tố Hữu sinh sống tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tri ân những cống hiến và đóng góp to lớn của nhà thơ Tố Hữu cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước và nền thơ ca cách mạng Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.
Công trình cũng giúp hình thành thiết chế văn hóa mới phục vụ cộng đồng, tạo điểm tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công trình văn hóa có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về tấm gương cách mạng sáng ngời của nhà thơ Tố Hữu cho thế hệ hôm nay và mai sau; góp phần tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống văn hóa, cách mạng quê hương Quảng Điền, quê hương Thừa Thiên Huế.
Tiếp đó, đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) và Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tọa lạc tại144 Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, thành phố Huế.
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa (áo trắng, thứ ba bên phải) cùng đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương và ghi lưu bút bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, tri ân sâu sắc đối với sự cống hiến của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. |
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được thành lập theo giấy phép số 1325/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, là Bảo tàng ngoài công lập được hình thành bằng tâm huyết và đóng góp từ các thành viên gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Bảo tàng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt thành của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Quân khu 4, Tỉnh ủy, UBND và các Ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bảo tàng có tổng diện tích 650m2.
Đây là nơi trưng bày những tư liệu, hình ảnh chân thực, sống động về những nhà lãnh đạo, những con người Việt Nam ưu tú thời đại Hồ Chí Minh nói chung và về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh một danh nhân Cách mạng của quê hương Thừa Thiên Huế, nhà lãnh đạo chính trị, quân sự xuất sắc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng tin tưởng, giao nhiều trọng trách và được nhân dân, cán bộ chiến sĩ hết sức thương yêu, kính phục.
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đoàn công tác đã đến thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Số 144 Đặng Thái Thân, thành phố Huế, tình Thừa Thiên Huế). |
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng hệ thống di tích lưu niệm liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế là địa chỉ tham quan, du lịch hấp dẫn, là nơi giáo dục truyền thống, nâng cao lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho mọi thế hệ; đồng thời cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh theo nội dung của Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chụp ảnh cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tỉnh Thừa Thiên Huế). |
Cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí của ông là bức tranh sinh động của con đường Cách mạng, đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vô cùng đau thương nhưng hết sức anh dũng, đáng tự hào của Quân đội và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nơi tưởng nhớ, lưu niệm một phần lịch sử và cuộc đời của những con người đã đóng góp xương máu, sức lực và trí tuệ của mình cho phồn vinh của dân tộc, những lát cắt vàng son của thời đại Hồ Chí Minh, là nơi tham quan, học tập của nhân dân, cán bộ chiến sĩ tại Thừa Thiên Huế, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước cũng như là một điểm đến bổ ích của du khách trong nước và quốc tế trong hành trình khám phá lịch sử hào hùng của Việt Nam. Góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử, di sản của đất và người Thừa Thiên Huế./.