Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng), sinh ra, lớn lên tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - quê hương của truyền thống đấu tranh cách mạng chống thực dân, đế quốc xâm lược; tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng đã gắn liền với cuộc đấu tranh của Nhân dân ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà mảnh đất dụng võ của ông là dãy Trường Sơn trùng điệp nối liền biên giới ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Trên dãy Trường Sơn này ông đã lãnh đạo, chỉ huy bộ đội và thanh niên xung phong lập nên một tuyến đường vận tải quân sự Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
1. Con người của sự lựa chọn lịch sử gắn liền với Trường Sơn
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên xuất thân từ một gia đình trung lưu. Lớn lên trong truyền thống yêu nước của gia đình và địa phương, 12 tuổi ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng dưới sự dẫn dắt của cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương; mới 15 tuổi đã gia nhập, trở thành đảng viên trẻ tuổi nhất của Đảng; 17 tuổi được cử làm Bí thư chi bộ xã Trung Thôn; sau theo học trung học và trở thành Bí thư chi bộ trường Saint Marie (Đồng Hới). Tại đây, ông bị thực dân Pháp truy nã và phải chuyển vào hoạt động bí mật ở Lào và Thái Lan, tham gia gây dựng cơ sở trong phong trào Việt kiều yêu nước.
Năm 1944, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên bí mật trở về nước hoạt động, được phân công phụ trách Phủ ủy Quảng Trạch, chủ nhiệm báo Hồng Lạc, xây dựng chiến khu Trung Thuần, huấn luyện quân sự, tham gia Cách mạng tháng Tám. Cách mạng thành công, đồng chí được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm Chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Năm 1946, đồng chí được bầu và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí giữ nhiều cương vị khác nhau, nhưng phần nhiều là lãnh đạo, chỉ huy quân sự tại Quảng Bình; đặc biệt là làm biệt phái viên của Tổng cục Chính trị tham gia Bộ tư lệnh cánh phối hợp Trung Hạ Lào trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí được phụ trách Cục Động viên dân quân, rồi được cử sang Trung Quốc học Trường Cao cấp Quân sự Bắc Kinh, chuyên sâu về vận tải quân sự. Năm 1964, đồng chí về nước và được đề bạt giữ chức vụ Tổng tham mưu phó một thời gian, sau đó liên tục được điều động về làm Chính ủy, sau là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung - Hạ Lào…
Như vậy, trước khi được cử làm Tư lệnh Đoàn 559, hầu như tuổi trẻ và sự nghiệp chiến binh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đều gắn chặt với dải Trường Sơn đại ngàn, nơi ông rất thân thuộc và hiểu biết thấu đáo về “nhân hòa, địa lợi”. Bổ nhiệm đồng chí làm Tư lệnh Đoàn 559 là Đảng, Nhà nước và Quân đội đã sáng suốt lựa chọn được người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị có lý luận quân sự vững chắc, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã được rèn luyện, thử thách trên nhiều cương vị công tác cách mạng của Đảng.
2. Vị tướng của những tư tưởng vận tải quân sự Việt Nam hiện đại
Năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (mở rộng), tháng 1/1959 đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, chỉ rõ: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”[1]. Thực hiện Nghị quyết 15 về nhiệm vụ chi viện miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Đầu tháng 5/1959, Bộ Quốc phòng đã thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, giao đồng chí Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng; có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam; tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ; chuyển công văn, tài liệu giữa hai miền... Từ năm 1959-1964, Đoàn đã bước đầu tổ chức lực lượng, phát triển tuyến chi viện chiến lược, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy. Đặc biệt, trong những năm 1961-1966, Đoàn đã “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, mở rộng, phát triển được 3 tuyến vận tải cơ bản, bước đầu tổ chức vận tải cơ giới, vận chuyển hàng chục ngàn bộ đội, hàng vạn tấn khí tài, lương thực… Nhưng từ năm 1965, đế quốc Mỹ đã chuyển sang chiến lược Chiến tranh cục bộ, thực hành “chiến tranh ngăn chặn”, sử dụng vũ khí công nghệ cao, thủ đoạn tàn bạo, kể cả chất độc hóa học đánh phá rất quyết liệt, gây nhiều khó khăn, tổn thất về sinh mạng và vật chất, hòng cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của quân và dân ta cho chiến trường miền Nam.
Đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đặc trách Tổng cục Hậu cần tiền phương ở tuyến nam Quân khu 4, được chỉ định kiêm Tư lệnh Đoàn 559, nhằm tăng cường công tác chỉ huy tuyến, đảm bảo hợp đồng chặt chẽ giữa tuyến trước và tuyến sau. Với tinh thần sâu sát chiến trường, đồng chí đã có mặt trên hầu khắp mọi nơi, từ binh trạm đến các đơn vị binh chủng thuộc Đoàn 559, cùng các cấp lãnh đạo, chỉ huy thấu hiểu và trực tiếp chỉ đạo giải quyết mọi nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn. Qua thực tế, đồng chí đã cùng với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 nhận ra những mặt mạnh yếu của địch, ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn, gian khổ của bộ đội ta và những hạn chế, thiếu sót của Đoàn. Ví như: thiếu kinh nghiệm vận tải cơ giới và thế trận tổng hợp, vận tải trong thế “đơn thương độc mã”, chủ yếu là gùi thồ, vận tải nhỏ, đơn tuyến và độc tuyến, “lấy phòng tránh là chính”. Từ đó giúp cho Quân ủy Trung ương nhận định: “Quay về vận tải thô sơ thì độ đội Trường Sơn giỏi lắm cũng chỉ nuôi nổi mình, nói chi đến chi viện chiến trường”[2].
Thời gian đảm nhiệm nhiệm vụ, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 559 có nhiều tư tưởng, quyết sách sáng tạo và thực hành quyết liệt làm thay đổi cục diện vận tải quân sự Việt Nam, đó là: 1) Trong chiến tranh hiện đại phải đánh giá đúng địch một cách toàn diện; nắm được âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đánh phá, khoét sâu chỗ yếu của địch, khai thác chỗ mạnh của ta, có cách đánh đúng; 2) Nhất thiết phải quán triệt tư tưởng tiến công “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, chủ động xây dựng thế trận vận chuyển, cầu đường, khắc phục thế độc đạo; 3) Quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, tổ chức chỉ huy thống nhất, thực hiện chiến đấu hiệp đồng binh chủng, vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật phù hợp với từng binh chủng, đánh bại địch bảo vệ đội hình vận tải; 4) Vận chuyển bằng sức mạnh bộ đội hợp thành nhất thiết phải tổ chức các chiến dịch vận chuyển lớn quy mô thích hợp, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất, trực tiếp, chặt chẽ, liên tục; 5) Đánh địch kết hợp với phòng tránh và nghi binh; chốt tập trung bảo vệ trọng điểm kết hợp với cơ động tiêu diệt địch, bảo vệ đội hình xe tiến công; 6) Vận tải cơ giới là chủ yếu, tận dụng vận tải đường sông, gùi thồ từng nơi, từng lúc; 7) Chuẩn bị cầu đường và chân hàng phải đi trước một bước, đặt trong tổng thể chiến dịch vận tải; 8) Thực hành tác phong chỉ huy 4 trực tiếp: trực tiếp giao nhiệm vụ, trực tiếp tổ chức chỉ huy, trực tiếp kiểm tra đôn đốc giúp đỡ, trực tiếp đánh giá, động viên cổ vũ khí thế. 9) Tăng cường công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu; xây dựng yếu tố con người, đội ngũ cán bộ là vấn đề hàng đầu có ý nghĩa quyết định thắng lợi[3].
Khi tiếp nhận vị trí Tư lệnh Đoàn 559 tháng 1/1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe chia thành 4 binh trạm, việc chi viện vào chiến trường miền Nam còn rất khó khăn vì những trận bom rải thảm của địch và khí hậu khắc nghiệt của Trường Sơn. Mỗi năm, Trường Sơn chỉ có vài tháng khô để các đơn vị vận tải có thể di chuyển, còn lại là mùa mưa tầm tã, đường sụt lở, lầy lội trầm trọng. Công binh, thanh niên xung phong phải trần mình suốt ngày đêm khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Sau hơn 8 năm đồng chí làm Tư lệnh Đoàn 559, tuyến giao thông chiến lược từ một con đường mòn nhỏ, trở thành một tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được giới truyền thông mệnh danh là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”; quân số của Đoàn lúc cao điểm hơn 12 vạn binh sĩ, trong đó hơn 1 vạn là lực lượng thanh niên xung phong, phiên chế thành 8 sư đoàn và 1 sư đoàn cao xạ tên lửa phối thuộc. Hệ thống đường chiến lược đến năm 1975 đã phát triển thành 2 sư đoàn vận tải với 10.000 xe tải; không còn những con đường đơn lẻ, mà phát triển thành một hệ thống đường vận tải chằng chịt nối giao nhau với hơn 16.700 km đường bộ, trong đó có hơn 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa; 1.500 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350 km đường dây cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên, 500 km đường sông[4]. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Đoàn 559 đề xuất, sáng tạo và tổ chức thực hiện thành công tư tưởng vận tải quân sự hiện đại, đó là hiệp đồng binh chủng, vừa bảo vệ tuyến vận tải cơ, vừa đẩy lui địch trên chiến trường; đồng thời cùng với cán bộ, chiến sĩ của Đoàn sáng tạo nên nghệ thuật quân sự cơ giới hóa bộ binh, tạo khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh, đè bẹp các cuộc tấn công của quân đội Mỹ và chư hầu.
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đồng Sỹ Nguyên (thứ ba từ phải sang) cùng các chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam đón Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đến thăm công trường xây dựng cầu Thăng Long, ngày 5/11/1983. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN) |
Để đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng lớn và cấp bách cho chiến trường, từ năm 1967, đồng chí đã đề xuất giải thể các tuyến, thành lập các binh trạm nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh, đồng thời đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới. Nhờ đó, đến hết năm 1968, Đoàn 559 đã vận chuyển được 42.910 tấn hàng (gấp 14,7 lần giai đoạn 1959-1965), bảo đảm hành quân cho 70.456 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường. Từ năm 1969-1972, đã xây dựng được 5 trục vượt cửa khẩu và 3 hệ thống trục dọc. Đặc biệt, từ năm 1968, nhất là từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, để hóa giải sự săn lùng và hủy diệt lớn xe vận tải của máy bay cực kỳ hiện đại của Mỹ là AC-130 A và E, Đoàn đã tập trung mở “đường kín” bảo đảm cho xe chạy giữa ban ngày, đồng thời đánh trả quyết liệt máy bay địch bằng cao xạ 37, 57, 100 ly, tên lửa A72, và cả tên lửa phòng không. Đây là một quyết định táo bạo, quyết đoán và sáng tạo độc đáo để chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch; bảo đảm cho đẩy mạnh vận tải cơ giới đường bộ quy mô lớn.
Sự chuyển mình, lớn mạnh cả về quy mô, lực lượng và thế trận của Đoàn 559 đã làm thay đổi cục diện vận tải của tuyến đường chi viện chiến lược, khiến Mỹ điên cuồng ném bom đánh phá, ném xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom, bằng già nửa số bom chúng ném xuống toàn lãnh thổ Việt Nam. Các đơn vị Bộ đội Trường Sơn đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 2.400 máy bay các loại, bằng ½ số máy bay bị bắn rơi ở Việt Nam. Đoàn 559 đã không chỉ là đơn vị vận tải đơn thuần mà còn là chiến trường đánh địch trên cả 3 nước Đông Dương[5]. Đoàn đã hoàn thiện 3 phương thức vận tải cơ giới - đường bộ, đường sông và đường ống; lấy vận tải ô tô là chính, đường ống là quan trọng, đường sông là hỗ trợ; với hiệu quả khối lượng vật chất vận chuyển gấp 180 lần so với giai đoạn I, phục vụ đắc lực cho toàn chiến trường đánh thắng một bước căn bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.
Cùng với chi viện cho các chiến trường, Đoàn 559 còn tham gia, góp phần quan trọng vào chiến thắng của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị... Đặc biệt, trong giai đoạn 1973-1975, Đoàn đã vận chuyển binh lực, hỏa lực, vũ khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân tăng gấp 318 lần so với giai đoạn 1959-1964 và đưa đến các chiến trường trước 3 tháng. Đoàn 559 còn tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đoàn 559 đã huy động hơn 2.000 xe ô tô của 2 sư đoàn làm nhiệm vụ cơ động khẩn cấp 3 quân đoàn (Quân đoàn 1, 2, 3) và 90 đoàn binh khí kỹ thuật vào tham gia các chiến dịch; vận chuyển 61.000 tấn đạn cho chiến dịch, bắc lại hàng trăm cây cầu bảo đảm giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A từ Quảng Trị vào Đồng Nai; tổ chức nhiều điểm cấp phát xăng dầu, bảo đảm cho các phương tiện cơ động tham gia chiến dịch; góp phần quan trọng và ngày toàn thắng của dân tộc.
3. Lịch sử mãi khắc ghi “Cánh chim đại bàng của Trường Sơn”
Tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với chiến trường Trường Sơn huyền thoại, với những chiến thắng lịch sử, chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, giành độc lập dân tộc. Thiếu tướng Võ Sở, người thuộc quyền của Trung tướng, nguyên Trưởng phòng Tổ chức, Chính ủy Binh trạm, Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn 559, sau này là Chính ủy Binh đoàn 12 (nay là Binh đoàn Trường Sơn), Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đánh giá, trong số các Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thì tướng Đồng Sỹ Nguyên là người để lại dấu ấn đậm nét nhất khi lập nên kỳ tích tổ chức thế trận giao thông liên hoàn. Ông cũng là người “giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn”, “kiến trúc sư hệ thống đường hầm màu lam”; “Ông Nguyên là người đề xuất xây dựng binh chủng hợp thành ở Trường Sơn và cùng hàng trăm nghìn chiến sĩ Trường Sơn tạo trận đồ bát quái, cơ động, thần tốc đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc vào giải phóng miền Nam”[6].
|
Là đại biểu Quốc hội, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn quan tâm các vấn đề nóng bỏng của đất nước. (Ảnh: TTXVN) |
Lúc đương thời, nhận xét về đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từng ghi nhận: “Đồng chí đã có công lao lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt, đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh”[7]. Đặc biệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người được ví như “Cánh chim đại bàng của Trường Sơn”, đã có đóng góp đặc biệt to lớn trong suốt quá trình xây dựng, duy trì thông suốt đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” hình thành nên tuyến đường huyết mạch, chiến lược để vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, quân lương, đạn dược từ hậu phương miền Bắc chi viện cho các mặt trận phía Nam.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn với thời gian lâu nhất, là một trong hai vị tướng quân đội được Đảng, Nhà nước phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Với những cống hiến, công lao to lớn, thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 80 tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sự quyết đoán, gan dạ, mưu trí, thao lược của người lãnh đạo, người chỉ huy. Cán bộ, chiến sĩ quân đội, lực lượng thanh niên xung phong năm xưa và ngày này, luôn ghi nhớ và mãi tự hào về một vị chỉ huy dũng cảm, một tư lệnh chiến trường tài năng xuất chúng nhưng rất bình dị, gần gũi, gắn với Trường Sơn - một kỳ tích của quân và dân ta.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh những công lao, cống hiến không mệt mỏi suốt đời vì dân, vì nước. Đồng thời giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Khích lệ, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ noi gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiêu biểu, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Với những thao lược tài tình, đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch. Tháng 6/1976, đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tổng cục.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng.
Từ năm 1977 đến tháng 2/1982, Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, Đồng chí được điều trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Đến tháng 8/1979, Đồng chí được điều trở lại giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Năm 1991, đồng chí thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng bảo vệ rừng phòng hộ”; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII. |
[1] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.82.
[2] Đồng Sĩ Nguyên, Với cả cuộc đợi (Hồi ký), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.306.
[3] Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.232-234.
[7] Đồng Sĩ Nguyên, Với cả cuộc đời (Hồi ký), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.5.
Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Quang, Cán bộ nguyên cứu Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự