Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng 

Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách

Ngày 3/10/2019, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật tình hình và các biện pháp đấu tranh của Việt Nam về nhóm tàu Hải Dương 8 trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Theo các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép. 

*Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam đối với phát biểu ngày 18/9 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12/9/2019. 

Khu vực mà Trung Quốc gọi là “bãi Vạn An” thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này.

Tìm ra vi khuẩn kiềm chế virus sốt xuất huyết

Các nhà khoa học Brazil đang tiến hành cuộc thử nghiệm một loại vi khuẩn có tên khoa học là Wolbachia, có khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Viện Fiocruz (Brazil) đã nuôi những con muỗi mang vi khuẩn Wolbachia - một loại vi khuẩn phổ biến trong các loài côn trùng, ngoại trừ muỗi Aedes aegypti lây truyền virus sốt xuất huyết.

 

Nghiên cứu loài muỗi vằn Aedes vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết quả ban đầu khá khả quan với số ca mắc bệnh sốt xuất huyết và Zika giảm đáng kể.

Ba năm sau khi những con muỗi đầu tiên mang virus Wolbachia được thả ra môi trường tự nhiên, kết quả thu được cho thấy hơn 90% muỗi tại những khu vực này đều có vi khuẩn nói trên. Giới chuyên gia kỳ vọng kết quả này sẽ góp phần không nhỏ trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết trên toàn thế giới.

Brazil là một trong những nước đang thử nghiệm việc ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết bằng phương pháp vi khuẩn Wolbachia, vốn lần đầu tiên được triển khai tại Australia vào năm 2011.

Bộ Y tế Brazil có kế hoạch nhân rộng dự án này tại nhiều thành phố trên khắp cả nước để đánh giá những kết quả đạt được trong các môi trường khác nhau.

Theo Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta, vaccine phòng chống 4 tuýp bệnh sốt xuất huyết đang trong bước thử nghiệm cuối cùng và phải đến năm sau mới có thể được đưa vào sử dụng.

Hàn Quốc: 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương và nhiều người mất tích do bão Mitag

Giới chức Hàn Quốc ngày 3/10 cho biết ít nhất 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương và nhiều người mất tích sau khi bão Mitag đổ bộ vào nước này kèm mưa lớn và gió mạnh.

 

Các phương tiện bị nước lũ nhấn chìm tại Samcheok, phía Đông thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 3/10/2019.
Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cơn bão càn quét nhiều khu vực miền Nam Hàn Quốc trong đêm 2/10, buộc nhà chức trách phải ban bố các cảnh báo lũ. Mưa lớn do bão còn gây lở đất tại nhiều khu vực. Theo Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc, nhiều khả năng con số thương vong sẽ còn tăng lên do còn một số trường hợp vẫn đang mất tích. Hơn 100 căn nhà cùng nhiều công trình bị nhấn chìm trong nước lũ. Trước đó, hơn 1.500 gia đình đã được sơ tán khỏi nơi ở.  

Mitag là con bão thứ 18 trong năm nay và là cơn bão thứ 7 càn quét qua bán đảo Triều Tiên./.

PV (tổng hợp)