Tiếp tục cập nhật.....
Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt (bản đầy đủ đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội) của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Việc hoàn thiện thể chế được thực hiện đầy đủ, kịp thời hơn
Trước hết về xây dựng hệ thống thể chế, báo cáo nhấn mạnh: Quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương lớn, quan trọng, được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng. Việc hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhìn chung khá đầy đủ, kịp thời hơn so với giai đoạn trước; nội dung các văn bản pháp luật có tính bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng văn bản từng bước được nâng lên.
Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp được ban hành trong giai đoạn 2011 - 2016 có phạm vi điều chỉnh ngày càng rộng, cơ bản đã bao phủ các lĩnh vực của nền kinh tế; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm vai trò chỉ đạo, giám sát của Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của doanh nghiệp; bước đầu phân định rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Từ đó, tăng cường trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách chậm được thể chế hóa hoặc chưa được thể chế hóa đầy đủ, thiếu thống nhất, rõ ràng, chưa có các giải pháp mang tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn phức tạp, nội dung một số văn bản chưa phù hợp thực tế, còn chồng chéo với hệ thống pháp luật khác.
Thường xuyên tổng kết, sửa đổi tháo gỡ khó khăn cổ phần hóa DNNN
Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Báo cáo cho biết: Chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN cơ bản đã được ban hành đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bám sát định hướng, chủ trương của Đảng.
Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã ban hành gần 100 văn bản quy phạm pháp luật và gần 250 văn bản chỉ đạo điều hành để triển khai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong việc sắp xếp, đổi mới DNNN, trong đó liên quan trực tiếp có 23 nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 23 thông tư hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN.
Trong giai đoạn 2011-2016, chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN đã được ban hành dưới dạng nghị định, thông tư là khá đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Chứng khoán, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đất đai… từ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, trình tự cổ phần hóa, phương pháp định giá, cơ chế đấu giá bán ra thị trường, chế độ, chính sách đối với người lao động…
Văn bản pháp luật về cổ phần hóa thường xuyên được tổng kết, sửa đổi để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, trong vòng 5 năm, Chính phủ đã ban hành 03 nghị định về cổ phần hóa DNNN, ngày càng đẩy mạnh công khai, minh bạch, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý đối tượng chịu ảnh hưởng, thực hiện nguyên tắc thị trường trong định giá và bán đấu giá cổ phần, hướng dẫn xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính khi cổ phần hóa nhằm hạn chế tối đa khả năng thất thoát vốn và tài sản nhà nước có thể xảy ra trong quá trình cổ phần hóa. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành 03 văn bản quy định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.
Báo cáo cũng chỉ rõ, cổ phần hóa DNNN là vấn đề rất khó, phức tạp, nhất là về định giá xác định giá trị doanh nghiệp và đất đai, bên cạnh đó còn liên quan đến việc kiểm soát của Nhà nước trong những lĩnh vực quan trọng, địa bàn thiết yếu, quốc phòng, an ninh. Tháo gỡ khó khăn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là hai vấn đề được thể hiện rõ nét trong các chủ trương, chính sách của Đảng, cần phải quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác cổ phần hóa DNNN còn thiếu những căn cứ pháp lý chặt chẽ ở cấp độ luật do Quốc hội ban hành, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào hệ thống pháp luật chuyên ngành như pháp luật về đất đai, chứng khoán… và các nghị định của Chính phủ.
Hệ thống văn bản pháp luật quy định chung cho tất cả các DNNN, chưa thật sự phù hợp với đối tượng được sắp xếp, cổ phần hóa là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp. Một số quy định về cổ phần hóa còn dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị...
Hoạt động của DNNN đạt nhiều kết quả tích cực
Về kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, báo cáo cho biết: Đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và bị tác động mạnh do biến động lớn về tình hình thị trường, giá cả, về rủi ro tài chính khi xảy ra khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 - 2012, đặc biệt là xu hướng giảm khá mạnh của ngành khai khoáng vốn là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng GDP lớn, nhưng hoạt động của các DNNN vẫn đạt được một số kết quả tích cực.
Nổi bật là, DNNN cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. DNNN chuyển dịch theo hướng chỉ tập trung vào những ngành nghề then chốt của nền kinh tế hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không đầu tư.
Việc bảo toàn và tăng trưởng vốn đạt kết quả đáng khích lệ. Đến hết năm 2016, sau 5 năm, tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tăng 45,8%; vốn chủ sở hữu tăng 92,2%.
Hiệu quả kinh doanh của DNNN xét trên tiêu chí lợi nhuận tạo ra, nộp ngân sách nhà nước có chiều hướng tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng. Có những tập đoàn có tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội là 43,5%, Tập đoàn Cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty Mía đường là 29,9%.
Dù kinh tế thế giới không ổn định, hoạt động kinh doanh trong nước gặp khó khăn nhưng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 vẫn nộp NSNN 147.941 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội nộp NSNN 131.400 tỷ đồng...
Ngoài nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong SXKD, các DNNN còn thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội theo chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu như tham gia bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, cung cấp nước sạch đô thị, duy trì an ninh, trật tự xã hội, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ giao, nhiều DNNN đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện nhiều công trình điện tại vùng sâu vùng xa, hải đảo. Nhiều DNNN đi đầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ, hội nhập kinh tế quốc tế, bình ổn thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các DNNN đã tích cực đóng góp giúp đỡ người nghèo, vùng thiên tai, bão lũ, làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo (chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công...), tổng các khoản chi phí thực hiện chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn 2011 - 2016 của Công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty là 9.558 tỷ đồng.
Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của khối DNNN
Qua kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2016, Đoàn giám sát nhận thấy hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến hai nội dung nêu trên đã từng bước được hoàn thiện.
Hoạt động của các DNNN mặc dù vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhưng không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của khối doanh nghiệp này trong thời gian qua. DNNN tiếp tục góp phần quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đoàn giám sát đề nghị cần tiếp tục đánh giá toàn diện, sát thực hơn về vị trí, vai trò của DNNN, không chỉ thấy mặt hạn chế, yếu kém của khối doanh nghiệp này mà phải làm rõ đây là nguồn lực quan trọng, chủ yếu, có liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế của đất nước, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội...
* Phát biểu thảo luận đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ); Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang); Trần Văn Minh (Quảng Ninh);... đề xuất các nội dung: Kiện toàn pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước; kiện toàn mô hình hoạt động của SCIC; xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm; quản lý chặt vấn đề sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước; định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa; công khai, minh bạch việc mua bán tài sản, thoái vốn của nhà nước;...
Tiếp đó, Quốc hội dành 1 ngày làm việc để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Trước đó, thực hiện kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và một số doanh nghiệp nhà nước; làm việc với Thường trực Chính phủ, nghe báo cáo về kết quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.
Sau khi tập hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương, Đoàn giám sát đã hoàn thiện Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 trình Quốc hội xem xét./.