Tiếp tục cập nhật....
Trong buổi sáng, các "Tư lệnh" ngành đã lần lượt trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề: Giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng; xử lý tình trạng làm giả bệnh án tâm thần để trốn tội; quản lý thị trường tiền tệ; áp dụng trần lãi suất; phát triển thanh toán điện tử liên ngân hàng; xử lý sim rác; xử lý tro xỉ các nhà máy nhiệt điện; giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí sách giáo khoa; giải quyết vấn đề vệ sinh trường học; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng các công trình ứng phó biến đổi khí hậu; cơ chế thu hút nhân tài;....
Thiết kế lại sách giáo khoa theo hướng mới
Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) về vấn đề lãng phí sách giáo khoa, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng lãng phí sách giáo khoa là có thật.
Theo ông, có nhiều nguyên nhân, trước hết do thiết kế sách giáo khoa hiện hành có nhiều bài tập khiến học sinh viết, vẽ trực tiếp vào sách dẫn đến không sử dụng được nhiều lần, gây lãng phí. Mặc dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, việc này chưa phù hợp và gây lãng phí.
Với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế lãng phí. Một số sách giáo khoa đã có hướng dẫn thầy cô không cho học sinh viết vào sách mà ghi vào vở. Bộ cũng tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa bền lâu. Tuy nhiên, kết quả của những giải pháp này còn hạn chế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về vấn đề này.
Trước phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri và dư luận, Bộ đã tiếp thu, ban hành chỉ thị 3798 chỉ đạo các cơ sở giáo dục để sử dụng tiết kiệm sách giáo khoa hợp lý và hướng dẫn học sinh biết giữ gìn sách giáo khoa.
Bộ trưởng cho biết, tới đây, khi biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế theo hướng hạn chế việc viết, vẽ trực tiếp vào sách. Bộ cũng đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn sách giáo khoa, đặc biệt giải pháp quyên góp, xây dựng thư viện sách giáo khoa để học sinh được sử dụng miễn phí, hỗ trợ vùng khó khăn. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước.
Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Cúc giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng các giải pháp như, ban hành 10 thông tư để chỉ đạo tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh an toàn, tiêu chuẩn cơ sở QR-code trong thanh toán tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đến cuối tháng 8 năm nay, số máy POS đã tăng hơn 23% so với cuối năm 2016. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được đảm bảo an toàn, số lượng và giá trị giao dịch 8 tháng đầu năm đã tăng tương ứng 28% và 30% so với cùng kỳ 2017.
Thống đốc cho biết, các giao dịch thực hiện qua các phương thức thanh toán mới đã tăng trưởng mạnh. Cụ thể 8 tháng đầu năm thanh toán qua Internet tăng 48% về số lượng và 27,7% về giá trị so với 2017; thanh toán qua điện thoại di động cũng tăng mạnh. Trong khu vực công, thanh toán không dùng tiền mặt được mở rộng.
Đến cuối tháng 8/2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã kết nối với hệ thống nộp thuế tại 63 kho bạc tỉnh thành phố. NHNN cũng đẩy mạnh truyền thông, vừa qua đã kết hợp với VTV thực hiện chương trình Tiền khéo tiền khôn để tuyên truyền người dân đẩy mạnh sử dụng hình thức thanh toán tiên tiến này.
Xử lý nghiêm các vụ “chạy án” bằng bệnh án tâm thần
Về tình trạng "chạy án" bằng bệnh án tâm thần, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thời gian qua, báo chí cũng thông tin, công an đã làm rõ 2 nhân viên của Bệnh viện Tâm thần móc nối với một đối tượng để làm hồ sơ bệnh tâm thần. Hiện công an đang điều tra, chưa có kết luận. Về thực trạng này, Bộ Y tế đã triệu tập các bệnh viện tâm thần, pháp y tâm thầm chấn chỉnh. Các quy trình làm bệnh án, giám định tâm thần rất chặt chẽ. Viện giám Tâm thần Trung ương mới có chức năng giám định bệnh tâm thần thì lúc đó công an mới xác định bệnh nhân tâm thần.
Về giải pháp ngăn chặn, Bộ trưởng Bô Y tế cho rằng, việc khám bệnh tâm thần thực hiện theo 2 tuyến. Tuyến 1 là các bệnh viện giám định bệnh lý tâm thần cho người dân nói chung. Tuyến 2 là công tác giám định pháp y, có sự tham gia của ngành công an để giám định bệnh tâm thần cho các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật cần giám định tâm thần.
Thực hiện Luật đổi mới và cải cách tư pháp, Bộ Y tế thành lập các Trung tâm giám định pháp y tâm thần vùng. Trung tâm này giám định là tâm thần thì công an mới xác định đó là tâm thần thực sự. Còn các đối tượng nào vào những bệnh viện bình thường để làm bệnh án, giám định thì cũng chỉ là dân sự, các bệnh viện đó có mục đích riêng. Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý những cá nhân, cán bộ bệnh viện phối hợp với các đối tượng làm giả bệnh án tâm thần.
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng. Đề nghị xử lý nghiêm các vụ án hình sự có hành vi chạy án bằng bệnh án tâm thần. Bộ Công an cần phối hợp cùng Bộ Y tế để giải quyết tình trạng này. Người dân, dư luận rất bức xúc khi có những đối tượng vi phạm pháp luật đã trốn tránh trách nhiệm hình sự bằng các bệnh án tâm thần giả.
Ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng
Ngày chất vấn cuối cùng, có 53 đại biểu đăng ký chất vấn các "Tư lệnh" ngành. Mở đầu phiên chất vấn sáng 1/11, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về việc giải pháp xử lý, ngăn chặn các đối tượng xúc phạm tổ chức, cá nhân, trên mạng internet, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vấn đề này Bộ Công an đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng xử lý một số đối tượng, vụ việc nhưng chưa ngăn chặn được, do còn một số khó khăn.
“Trước hết là tính nặc danh của thông tin trên mạng và thậm chí vi phạm đó không chỉ xảy ra ở trong nước mà xuyên quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật xử lý vấn đề này chưa hoàn thiện, ví dụ mỗi khi xử lý những thông tin vu khống, xuyên tạc thì cần có chứng cứ số, phải được cơ quan chức năng giám định”, Bộ trưởng lý giải.
Người đứng đầu Bộ Công an nêu ra một số giải pháp: Một là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để đấu tranh, xử lý với những hành vi nêu trên, xúc phạm danh dự người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng.
“Vấn đề này Luật An ninh mạng đã thông qua, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các văn bản thi hành Luật An ninh mạng và có các quy định pháp luật để xử lý hành vi vu khống trên không gian mạng”, Bộ trưởng nói.
Thứ hai là phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai tuyên truyền phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc của các đối tượng trên không gian mạng.
“Thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an ninh thông tin, đảm bảo an ninh mạng; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet ngăn chặn truy cập từ trong nước đối với gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu; thanh tra xử lý các vi phạm pháp luật trong ngăn chặn cung cấp thông tin xuyên tạc, sai sự thật; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ nước ngoài hợp tác thực hiện yêu cầu xử lý thông tin vi phạm pháp luật từ Việt Nam”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Giải pháp nữa theo Bộ trưởng là tiếp tục thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ các đối tượng hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng; đấu tranh xử lý kịp thời.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) về xử lý sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây là từ thường dùng chỉ những sim không xác định được nhân thân người dùng và cũng chưa được định nghĩa trong các văn bản pháp luật.
Về giải pháp căn cơ, phải có cơ sở dữ liệu căn cước công dân để quản lý. Trong khi chưa làm được điều này, trước mắt cần triển khai thu hồi sim rác; đồng thời tiến hành bổ sung thông tin cá nhân, hình ảnh đối với những người dùng cũ;... đối với người đăng ký sim mới bắt buộc phải chụp ảnh, cung cấp thông tin cá nhân; đồng thời xây dựng, vận hành hệ thống nhận dạng sim rác...
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội. |
Đây là ngày cuối cùng Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện 6 Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, trong đó có 3 Nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 Nghị quyết về chất vấn.
Theo chương trình phiên họp, từ 15h50 đến 16h35, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Từ 16h35 đến 17h00, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trước đó, ngày 31/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 52 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 32 lượt đại biểu tranh luận đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, 16 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông về các nội dung chủ yếu sau:
Công tác phòng, chống tội phạm ma túy; chất lượng xét xử; áp dụng án treo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; chất lượng công tác kiểm sát, thực hành quyền công tố;
Xử lý nợ đọng thuế; quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; quản lý hóa đơn; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý đất đai trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thanh toán các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT); thu phí BOT giao thông; cắt giảm điều kiện, thủ tục đầu tư kinh doanh;
Giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển các sản phẩm chủ lực; thị trường đầu ra cho nông sản; chống phân bón, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi; kiểm soát đánh bắt thủy sản trái phép; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi;
Công tác khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; tăng cường y tế cơ sở; điều trị tại phòng khám đa khoa khu vực; kiểm soát chất lượng thuốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;
Công tác quản lý thị trường; xử lý các dự án thua lỗ; hiệu quả các dự án bô-xít Tây Nguyên; phòng vệ thương mại, bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển thị trường nội địa;
Công tác quản lý đất đai, hoàn thiện pháp luật về đất đai; xử lý ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, xử lý tro, xỉ than của các nhà máy nhiệt điện; nhập khẩu phế liệu; giải pháp, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; công tác điều chuyển, luân chuyển giáo viên; đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
- Xây dựng Chính phủ điện tử; quản lý nhà nước trên môi trường mạng; xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, xúc phạm cá nhân trên không gian mạng; xử lý sim rác;
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản, bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; liên kết vùng, khai thác và phát triển du lịch;
Công tác tiếp công dân; khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra;
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; an sinh xã hội; thực hiện chính sách đối với người có công; chống trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội;
Thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giản biên chế; chính sách cử tuyển đối với sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…