Tiếp tục cập nhật....
Sẽ quy định cụ thể về giáo dục hướng nghiệp
Đầu giờ sáng đã có 63 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung; Nguyễn Văn Thân, Đào Tú Hoa,... chất vấn về vấn đề phân luồng học sinh phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; phát triển giáo dục chất lượng cao; giải pháp khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; tiến độ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...
Về vấn đề phân luồng, Bộ trưởng cho rằng đây không phải là vấn đề mới, Trung ương đã chỉ đạo nhiều, nhưng kết quả thực hiện chưa đạt như mong đợi, nguyên nhân thì có nhiều nhưng cốt lõi là do chương trình giáo dục chưa rõ nét trong quy định về hướng nghiệp và phân luồng; hiện cơ quan chức năng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về phân luồng, trong đó trong chương trình phổ thông có quy định về giáo dục hướng nghiệp, chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực làm công tác hướng nghiệp nhằm khắc phục tình trạng này.
Bên cạnh đó, trong thiết kế chương trình phổ thông phải quán triệt tinh thần là lồng ghép thông tin về cuộc Cách mạng 4.0 vào kiến thức lý thuyết để các em ngay trên ghế nhà trường đã nắm được thông tin thực tiễn; đồng thời tạo đam mê, động lực cho học sinh với nghề nghiệp tương lai,...
|
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình). Ảnh ĐBND |
Thu hút đầu tư giáo dục chất lượng cao
Về giáo dục chất lượng cao, Bộ GDĐT đã tham mưu cho Chính phủ có giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội, khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục chất lượng cao; theo đó ngoài thu hút đầu tư về cơ sở vật chất còn nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận chương trình học tập theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong nước, không phải đi du học; tới đây sửa đổi Luật Giáo dục đại học để cụ thể hóa chủ trương này...
Về giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, theo Bộ trưởng cốt lõi là phải nâng cao chất lượng đào tạo, do đó Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm định chất lượng đào tạo, công bố công khai kết quả kiểm định, xếp hạng các trường để người học có thông tin lựa chọn cơ sở đào tạo ngay từ đầu vào và các trường phải nâng cao chất lượng và chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu ra...
Về tiến độ đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần có thời gian thực hiện, trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng cố gắng hoàn thiện chương trình sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ đại học; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo;...
Về nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các địa phương, cơ quan liên quan hoàn thiện về cơ chế, chính sách. Cách đây 5, 7 năm công tác này rất hiệu quả. Nhưng gần đây hoạt động này có vấn đề, vì nhiều người đi học về không bố trí được việc làm. Bộ đã tiến hành khảo sát tại các vùng khó khăn, vùng 30a,... phương hướng sắp tới là phải gắn trách nhiệm của địa phương đối với các đối tượng cử tuyển.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. |
Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ
Về giáo dục mầm non, Bộ trưởng cho biết hiện chúng ta có hơn 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, về cơ bản các cô yêu nghề, yêu trẻ.
Theo Bộ trưởng, những chuyện bạo hành trẻ gây bức xúc xã hội thời gian qua chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ, cơ sở tư thục... Tinh thần của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ, những giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, đình chỉ hoặc đóng cửa các cơ sở sai phạm, không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Về căn cơ là phải triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, đi kèm với nâng cao cơ chế đãi ngộ để các cô yên tâm gắn bó với nghề,...
Bộ trưởng cho biết về khung khổ pháp luật cơ bản chúng ta đã có, vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát, các tổ chức chính trị - xã hội như phụ nữ, mặt trận, phường xã giám sát, cùng đồng hành với ngành giáo dục trên tinh thần phòng ngừa là chính. Quan điểm là phòng ngừa hơn là việc xử lý. Bộ trưởng mong muốn các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ về điều kiện cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên đủ số lượng, chất lượng để không tạo áp lực.
Sáp nhập, giải thể các trường ĐH kém hiệu quả
Về giải pháp ngăn chặn bệnh thành tích, "lạm phát khen thưởng", theo Bộ trưởng đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, hiện nay vẫn còn phổ biến, để hạn chế việc này, Bộ đã có văn bản chỉ đạo hạn chế nhiều các cuộc thi; đổi mới phương thức đánh giá nhằm bảo đảm kết quả đạo tạo phản ánh đích thực chất lượng giáo dục; bên cạnh đó, tiến hành đổi mới tổ chức công tác thi đua trong trường học theo hướng thiết thực;...
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) chất vấn: Các trường đại học kém hiệu quả, không chiêu sinh đủ sẽ giải quyết như thế nào? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng nhiều trường khi thành lập năng lực đào tạo kém, học sinh không vào, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ trưởng cho biết, Bộ đã đi giám sát và có lộ trình trong 2-5 năm tới các trường yếu kém không cải thiện chất lượng đào tạo sẽ phải sáp nhập, giải thể.
Cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 4: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).
Với tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của học sinh, giáo viên trong nhà trường hiện nay, để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.
Trong đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020; quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học; đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường...
Ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Theo đó, để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo: Phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức. Hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học. Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục...