Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài hơn 2.100 km, hiện đã khai thác và đang xây dựng một số đoạn dài hơn 600 km. Trong giai đoạn 2017 - 2020, dự án tiếp tục đầu tư một số đoạn với chiều dài khoảng 654 km, chia làm 11 dự án thành phần. Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn có điểm đầu tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị), điểm cuối tại La Sơn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), trùng với điểm đầu dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan, chiều dài gần 100 km. Tổng mức đầu tư dự án gần 7.700 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng. Ðây là công trình đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển cao tốc bắc - nam của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, là “cú huých” lớn cho hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cất cánh. Nỗi ám ảnh “truông Nhà Hồ, phá Tam Giang” của ông cha đang lùi vào quá khứ, mở ra triển vọng mới nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp.
Theo quy hoạch phát triển không gian của các tỉnh Quảng Trị, Thừa - Thiên Huế, một số khu, cụm công nghiệp được mở rộng về phía tây quốc lộ 1 hiện tại. Sự hình thành tuyến đường cao tốc sẽ gắn kết các khu, cụm công nghiệp mới trong vùng, tạo điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế phục vụ phát triển dân sinh. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, công trình mở đầu này phải là hình mẫu, tránh biểu hiện tiêu cực mà một số công trình giao thông khác từng vấp phải. Dự án có hai nhà thầu quân đội, do đó càng phải phát huy tính gương mẫu, kiểu mẫu trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không xảy ra hư hỏng khi đưa vào khai thác. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021, khi đó, cùng với đoạn La Sơn - Túy Loan, hình thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, góp phần quan trọng tạo đột phá, trở thành trục động lực khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế cho cả miền trung, giữ vững an ninh - quốc phòng và đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh.
Đối với 10 dự án thành phần khác sẽ triển khai trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải, các ban quản lý dự án và nhà thầu cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với dự án, triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Trước mắt cần chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản, ngăn chặn các biểu hiện bớt xén vật tư, vật liệu thi công, rút ruột công trình. Cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng nhà thầu thông đồng với đơn vị thiết kế, giám sát, chủ đầu tư buông lỏng hoặc bị mua chuộc, dẫn tới công trình nhanh xuống cấp, ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân.