|
Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) |
Trong những năm qua, còn thực trạng nhiều doanh nghiệp tuyển lao động gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào làm việc ngay. Trình độ tay nghề rất hạn chế tạo năng suất và chất lượng lao động thấp, thậm chí còn gây mất an toàn lao động do không được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.
Về vấn đề này, mới đây, ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) thừa nhận, thời gian qua nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động chỉ tuyển dụng lao động phổ thông. Sau đó doanh nghiệp đào tạo thời gian ngắn, từ 1 đến 2 tuần, người lao động có những kỹ năng cơ bản và đứng vào các vị trí như dây chuyền trong các nhà máy, doanh nghiệp.
Theo ông, hệ lụy của vấn đề này là năng suất lao động thấp, dẫn đến thu nhập của người lao động thấp, rất thấp. Đáng lo ngại, chỉ sau một thời gian ngắn những kỹ năng cơ bản đó trở thành lạc hậu.
“Nếu như không có việc đào tạo lại thì người lao động dễ bị các doanh nghiệp sa thải khỏi các công việc mà trước đây họ đã tham gia. Bởi vì công nghệ thay đổi mà những kỹ năng cơ bản chỉ đáp ứng phần nào” – ông Vũ Xuân Hùng nói.
|
Trong tương lai gần các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng lao động qua đào tạo
(Ảnh minh họa: KV) |
Để khắc phục vấn đền này, ông Vũ Xuân Hùng thông tin, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về những danh mục nghề nghiệp bắt buộc người sử dụng lao động phải sử dụng lao động qua đào tạo. Dự thảo này đang trong quá trình lấy ý kiến, trong đó có lấy ý kiến từ doanh nghiệp để ban hành.
Ông cũng nhấn mạnh, “không phải ngay sau khi thông tư ban hành thì 100% các doanh nghiệp đều phải sử dụng lao động qua đào tạo”.
Dự thảo thông tư đã định hướng lộ trình rất phù hợp với thực tế hiện nay của Việt Nam. Cụ thể, trước mắt sẽ tập trung ưu tiên cho những lĩnh vực, ngành nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm, ngành nghề liên quan đến sức khỏe thì lao động phải được đào tạo bài bản mới được tuyển dụng.. Tiếp đó, là nhóm ngành nghề dịch vụ liên quan đến con người. Cuối cùng, là những ngành nghề liên quan đến sản xuất, những ngành nghề khác đều bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo.
“Như vậy, trong tương lai gần các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng lao động qua đào tạo để hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng lao động của người lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam trên trường quốc tế, dần dần sẽ giúp Việt Nam nâng cao phát triển kinh tế xã hội nâng cao vị thế của mình trong thị trường lao động quốc tế” – ông Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh./.
MT