|
Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2017 tăng 6,6%. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung bình quân đạt 17 triệu m3, theo ước tính cả năm 2017 đạt 19 triệu m3.
Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm (2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên bình quân 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2011-2015). Theo ước tính năm 2017 đạt khoảng 7,8 tỷ USD. Nước ta đã trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á.
Để duy trì được những thành quả này, việc bảo đảm chất lượng giống cây lâm nghiệp đang được đặt ra như một thách thức lớn với ngành. Hiện nay diện tích trồng rừng sản xuất trong nhân dân khá lớn nhưng bất cập là lâu nay nông dân sử dụng các giống cây hạt bán trôi nổi trên thị trường. Khâu quản lý giống đưa vào trồng rừng tập trung và phân tán còn thả nổi.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) cho biết: Hiện nay, Viện đã nghiên cứu, chọn tạo được nhiều loại giống các loài cây trồng rừng chủ lực như keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng, keo lá liềm, bạch đàn và tràm… Các giống này đều có năng suất cao (24-43 m3/ha/năm), có khả năng kháng bệnh và thích nghi tốt với các điều kiện lập địa phía nam.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế, một số vấn đề trong nghiên cứu khoa học lâm nghiệp còn khoảng trống cần giải quyết. Đó là loài, giống cây và công nghệ tạo rừng cho các vùng đất khô hạn, ngập nước; cơ chế và chính sách phát triển rừng quy mô hộ gia đình trong điều kiện đã được giao đất để phát triển rừng; xây dựng nhiều mô hình trình diễn các giống tiến bộ kỹ thuật và biện pháp thâm canh rừng trồng gỗ lớn bền vững cho các loài cây chủ lực để người dân tham quan học tập và nhân rộng.
Theo GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc VAFS, thời gian tới cần chú trọng đến các nghiên cứu chọn tạo giống mới và các giải pháp kỹ thuật phục hồi, phát triển rừng theo hướng bền vững. “Cần ưu tiên các nghiên cứu mũi nhọn, liên hoàn theo chuỗi để thực hiện tốt Quyết định số 120 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 và Quyết định 4817 năm 2016 về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020”, GS Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng cần có các nghiên cứu chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu, cung cấp gỗ lớn, chính sách phát triển thị trường nội địa gỗ, sản phẩm gỗ và quan tâm thúc đẩy các hoạt động khuyến lâm, hội nghị khoa học để giới thiệu, chuyển giao giống, tiến bộ kỹ thuật và các kết quả nghiên cứu lâm nghiệp vào sản xuất, góp phần thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Theo nhận định của ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giống cây trồng lâm nghiệp không những tác động đến năng suất, chất lượng rừng trồng, mà còn cả tính ổn định, bền vững và sức sản xuất của đất và hệ sinh thái.
Đỗ Hương