Trong nắng lửa Thành cổ…  

QĐND - 45 năm đã qua, cuộc sống nơi chiến trường xưa đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, chỉ có nắng hè như táp lửa vẫn vẹn nguyên như một thuở đạn bom.

Hướng mắt về phía Tây Nam Thành cổ Quảng Trị, Cựu chiến binh (CCB), thương binh Đinh Quang Thìn, giọng run run như thể chuyện trò với những người đã khuất: “Hùng ơi! Hòa ơi! Bao nhiêu năm qua, mình vẫn không biết anh em còn hay đã mất!”. Nói đến đó, hai hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của người thương binh vốn rắn rỏi, từng trải qua nhiều hiểm nguy, khó khăn trong chiến trận và đời thường. 

CCB Đinh Quang Thìn nghẹn ngào kể lại ký ức của những ngày mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị: “Khi ấy, tôi là hạ sĩ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2). Dọc đường số 8, chúng tôi đã hành quân và đối đầu với thủy quân lục chiến (Lữ đoàn 369 ngụy) suốt từ tháng 5 đến tháng 7-1972. Với sức mạnh các loại phương tiện, vũ khí trang bị của kẻ thù, cùng với sức nóng của Quảng Trị mùa hè năm ấy như muốn thiêu rụi những chiến sĩ trẻ chúng tôi”.

 CCB Đinh Quang Thìn (bên phải) gặp lại đồng đội cũ trong chuyến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị (tháng 6-2017) 

Đêm 10-8-1972, Đại đội 1 được lệnh vượt sông Thạch Hãn vào bổ sung cho chốt phía Tây Nam Thành cổ. Từ điểm tập kết đến bờ sông chỉ hơn 300m, nhưng đường cơ động khó khăn do tường gạch đổ nát, hố bom cày xới…; hơn nữa, di chuyển trong đêm tối càng phải cẩn trọng, bởi chỉ một sơ suất nhỏ, sẽ khiến địch phát hiện, sử dụng hỏa lực ngăn chặn, gây thương vong cho ta. Khi đội hình đang tổ chức vượt sông, địch phát hiện bắn pháo sáng ngập trời để “khóa mục tiêu” cho pháo binh bắn chặn. Trong vòng lửa đạn, tất cả cán bộ, chiến sĩ vẫn dũng cảm, đẩy nhanh tốc độ tiến lên phía trước và nhanh chóng lên bờ tập hợp đội hình. Bờ bên này, các chiến sĩ trinh sát đã đợi sẵn đưa Tiểu đội 3 đến chốt boong-ke bằng sắt cũ án ngữ ngay ngã Tư đường phía Tây Nam Thành cổ, phía Bắc chốt giáp sông Thạch Hãn, cạnh Chùa Bà Năm.

 CCB Đinh Quang Thìn, nhớ lại:

- Khi tiếp cận chốt, trong ánh sáng lờ mờ, quan sát thấy chốt không có chiến hào râu tôm cơ động làm vị trí bắn súng B41, B40 và ném lựu đạn, tôi động viên anh em cắt cử cảnh giới và dồn lực lượng đào hào cơ động hai bên sườn hào…Mọi người hì hục đào hào suốt đêm, dưới ánh sáng của đèn dù pháo sáng, đến gần sáng mới hoàn tất; sẵn sàng đợi trận chiến đối đầu trực tiếp với địch.

Mới sáng sớm, địch đã nã nhiều loại hỏa lực mạnh vào chốt, hòng dọn đường cho đợt tấn công. Phía đối diện, cách chốt chừng hơn 100m đã thấy thấp thoáng quân địch đi lại. Sau khi hỏa lực địch tạm ngưng, bộ binh của chúng ập đến cách chốt chừng hơn 20m. Quan sát thấy một tên địch ra dáng chỉ huy, tay vung khẩu súng ngắn hò hét thúc quân, tôi lệnh cho bộ đội tập trung diệt tốp đi đầu. Khẩu trung liên trong chốt “gầm” lên, nhiều tên địch trúng đạn ngã vật, khiến các toán lính phía sau hốt hoảng lùi lại.

Sau thời gian tổ chức lại đội hình, hỏa lực địch tiếp tục bao trùm chốt phòng ngự. Khi khói bụi vừa tan, quan sát thấy một tốp địch hơn chục tên đang tụ tập, bu bám ở một góc nhà, tôi lệnh Tiểu đội phó Nông A Hòa (người dân tộc Tày, quê tỉnh Thái Nguyên) sử dụng súng B40 tiêu diệt địch. Đồng chí Hòa nhanh nhẹn luồn ra chiến hào, chọn vị trí thuận lợi nổ súng. Quả đạn B40 trúng mục tiêu, khiến góc nhà đổ sụp và diệt hoàn toàn tốp địch. Thế nhưng, khi đang tiếp tục lắp đạn, thì đồng chí Hòa bị trúng đạn của địch, phải đưa trở lại hầm trú ẩn.

Trước diễn biến căng thẳng của trận đánh, tôi nhanh chóng vác súng B40 lên vai bắn liên tiếp 3 quả đạn vào phía đông quân địch. Khi đang thao tác lắp tiếp quả đạn thứ 4 thì một quả đạn M79 nổ ngay gần đó, mảnh đạn văng trúng người. Ngay sau đó, tiểu đội bố trí người kéo tôi về hầm trú ẩn, rồi đưa về sau để quân y cứu chữa. Tiếp đó, đồng chí Hòa tiểu đội phó và đồng chí Hùng, chiến sĩ trung liên, cũng được cáng về tuyến sau. Kể đến đây, giọng CCB Đinh Quang Thìn rưng rưng xúc động:

- Bị thương, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Đến tối, tôi cùng các đồng chí bị thương nặng được mọi người dìu xuống thuyền đẩy dọc bờ Bắc sông Thạch Hãn khoảng 2km để về trạm phẫu của Trung đoàn 18. Thế nhưng, khi đến nơi mới biết, vị trí trạm phẫu vừa bị bom B52 oanh tạc. Chúng tôi lại được chuyển tiếp về tuyến sau. Tôi bị mất liên lạc với anh Hòa và anh Hùng từ đó!

Sau khi được điều trị lành vết thương, ông Thìn tiếp tục cùng đội hình Trung đoàn 18 tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam và tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Kinh qua nhiều vị trí công tác, ông Đinh Quang Thìn nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, Phó trưởng Phòng Dân quân tự vệ, Quân khu 1.

Sau 45 năm kể từ ngày diễn ra trận đánh ở Thành cổ Quảng trị, CCB Đinh Quang Thìn vẫn chưa một lần được nghe, được biết thêm thông tin gì về anh Hùng và anh Hòa. Giọng người thương binh nghẹn lại: “Chẳng thể biết ai còn ai mất, nhưng tôi sẽ mãi kiếm tìm và nhớ thương khôn xiết những đồng đội một thuở đạn bom!”

Nói rồi, người thương binh chậm rãi bước đi, hòa cùng các CCB của Trung đoàn 18 thăm lại chiến trường xưa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân đồng đội.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ

806 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 617
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 617
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86202955