Gia đình ông Lê Công Minh, thôn Trung Kiên, xã Triệu Thượng sống ở vùng nông nghiệp thấp trũng, thường xuyên bị lũ lụt tàn phá nên việc phát triển kinh tế của gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc sản xuất mấy sào lúa theo mùa vụ, quanh năm gia đình ông Minh tảo tần với gần 5 sào đất trồng các loại cây rau màu như khoai lang, sắn và ngô, đậu các loại... nhưng giá trị kinh tế đem lại rất thấp. Năm 2011, thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của huyện, gia đình ông đã chuyển toàn bộ 5 sào đất trồng màu sang trồng cỏ để nuôi bò nhốt chuồng. Từ mô hình trồng cỏ, hàng năm gia đình ông nuôi từ 5-7 con bò lai, đưa lại nguồn thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng.
Ông Minh chia sẻ: “Việc trồng cỏ để nuôi bò có lợi ích nhiều mặt. Thứ nhất đỡ mất công đi cắt cỏ, thứ hai bảo đảm được nguồn cỏ sạch và chất lượng. Hơn nữa, cỏ khi trồng tốt rồi thì thu hoạch cả năm, cứ cắt cuốn chiếu khoảng 15 ngày sau là có cỏ để cắt lại và hiệu quả kinh tế từ mô hình này rất cao. Gia đình tôi trồng gần 5 sào cỏ voi nhưng cũng bảo đảm nguồn thức ăn sạch cả năm cho 7 con bò nhốt chuồng...”.
Ngoài gia đình ông Minh, hiện trên địa bàn xã Triệu Thượng có 176 hộ tham gia mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng với gần 30 ha. Tổng số bò được người dân nuôi theo hình thức nhốt chuồng gần 400 con. Nhờ trồng cỏ nuôi bò nhốt nên nhiều hộ nông dân đã thoát được nghèo khó, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, phong trào trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng ở huyện Triệu Phong phát triển khá mạnh. Toàn huyện đã trồng được hơn 38 ha cỏ VA-06 và cỏ voi, 290 hộ tham gia nuôi bò nhốt với khoảng 690 con, tập trung ở các xã Triệu Thượng, Triệu Long, Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Sơn…Theo ước tính trung bình mỗi ha trồng cỏ kết hợp với nuôi bò nhốt sẽ đem lại thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm.
Ông Trương Thế Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Phong cho biết: “Hiện nay mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng ở Triệu Phong đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng và vận động người dân chuyển đổi một số diện tích trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Qua đó, từng bước lai hóa, nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn toàn huyện”. Hồng Lĩnh