Ông Lê Văn Tú, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Lập nhớ lại: “Trước năm 2008, ở Tân Long, rất nhiều hộ dân làm nghề “cua rạm”, tham gia gùi cõng hàng hóa cho các đối tượng buôn lậu. Rồi cây chuối ở đó bỗng trở thành “cứu tinh” của bà con bởi không chỉ cho thu nhập cao, mà còn giúp họ trở về với bản tính vốn chất phác, thật thà của mình.
Năm 2016, trước tình trạng con em trên địa bàn bỏ học giữa chừng ngày một đông, nguyên nhân do kinh tế khó khăn, người dân chưa quan tâm, chú trọng việc học tập của con em mình, Đảng bộ và chính quyền xã đã tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến đóng góp của bà con về tháo gỡ khó khăn cho cả kinh tế và giáo dục.
|
Người dân Tân Lập thu hoạch chuối bán cho thương lái tại chỗ. |
Nhớ lại việc người dân Tân Long trồng chuối chống... buôn lậu rất hiệu quả, nhiều bà con Tân Lập liền bật ra ý kiến đóng góp, trồng chuối như ở Tân Long cũng sẽ có tác dụng “ngăn” con em bỏ học giữa chừng. Thế là cuộc họp nhất trí cao, quyết tâm thực hiện phương án này”.
Ban đầu, Tân Lập chọn bản Cồn và bản Bù xây dựng thí điểm mô hình “Cây chuối khuyến học”. Trên thực tế, người dân ở đây phát triển cây chuối cùng thời điểm với người dân Tân Long, song do việc canh tác còn nhỏ lẻ, đầu tư chăm sóc hời hợt, nên hiệu quả kinh tế thấp.
Để khắc phục hạn chế này, mỗi gia đình đều cam kết và thống nhất dành ít nhất từ 1-2 hoặc 3ha trở lên (tùy thuộc vào điều kiện diện tích đất đai nông nghiệp, nhân khẩu, lao động trong mỗi gia đình khác nhau) để trồng các loại chuối lấy quả có giá trị kinh tế cao. Sau thu hoạch và bán, số tiền lãi ròng chỉ dành cho việc học hành của con em. Qua 1 năm thực hiện, mô hình này mang lại hiệu quả rất cao, đúng như nhận định và quyết tâm ban đầu của bà con...
Ông Tú dẫn tôi đi thăm bà con trồng chuối một vòng quanh bản Cồn. Anh Hồ Trần Phú Khe, Trưởng bản cho hay, bản có 68 hộ dân với 286 nhân khẩu. Bà con ở đây đều là người đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô.
Trước đây, đời sống kinh tế của bà con có nhiều khó khăn do nếp nghĩ cách làm còn nhiều lạc hậu. Cùng với đó là do bà con chưa có quyết tâm cao trong lao động sản xuất, chưa nghĩ sâu sắc tới việc đầu tư, chăm lo cho con cái học hành, tình trạng khó nghèo vì thế cứ đeo bám riết, con cái phải nghỉ học giữa chừng phổ biến hằng năm rất đáng buồn.
Nhưng kể từ sau thực hiện mô hình “Cây chuối khuyến học”, đến nay, điều kiện kinh tế của bà con đã được cải thiện rất đáng kể, học sinh cũng không còn phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nữa. Hiện, toàn bản có 34 hộ có con em đang độ tuổi đến trường đều thực hiện rất nghiêm túc và hiệu quả mô hình khuyến học nói trên.
Rời bản Cồn, chúng tôi đến bản Bù lúc này trời đã nhá nhem tối. Chị Hồ Thị Lưa, một người dân ở đây vẫn đang cặm cụi cắm thêm những thanh tre chắn cho cây chuối vừa trổ buồng.
“Mình trồng chuối đã 3 năm nay. Hết lứa chuối này cho quả thì đến lứa khác, cứ thế nối tiếp nhau. Hai năm lại đây, nhờ đầu tư tốt, mỗi năm mình đều bán thu được hơn 100 triệu đồng từ 1ha đất trồng chuối. Gia đình mình nhờ đó có điều kiện nuôi con cái ăn học tốt hơn”, chị Lưa bộc bạch.
Chia tay chị Lưa và người dân bản Bù, ông Tú phấn khởi, nói rằng, hiện Tân Lập đang tập trung mở rộng mô hình “Cây chuối khuyến học” cho người dân trên địa bàn. Bởi vì đây là hướng phát triển kinh tế thích hợp, nhiều nước trên thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu chuối quả tiêu thụ và chế biến thực phẩm ngày càng cao.
Trong tương lai không xa, địa phương không chỉ giàu lên nhờ phát triển cây chuối mà việc học hành, thành đạt của con em nhờ vào mô hình này chắc chắn cũng sẽ cao hơn.
Thanh Bình