|
Bộ trưởng Trần Hồng Hà |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, báo cáo của Ủy ban về rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc vừa phát đi cho thấy do biến đổi khí hậu cực đoan và thời điểm này đã đến điểm mà con người rất khó kiểm soát được tính cực đoan, khi nồng độ khí nhà kính đã đạt trên 400 đơn vị phần trăm.
Điều này cho thấy rằng cường độ cũng như tần suất trong 40 năm qua đã tăng 4 lần, trong đó bão và lũ chiếm khoảng 40%, giai đoạn 1980-1999 chỉ có 4.212 các thiên tai được xác định là thiên tai lớn; cho đến nay, năm 2000 đến năm 2019 đã có trên 7.348 thiên tai, trong đó loại hình thiên tai xảy ra nhiều nhất là lũ 3.254 lượt chiếm 44%, bão 2.043 lượt 28%.
Theo Bộ trưởng, 4 cơn bão, trong đó cơn bão số 9 vừa qua là mạnh nhất trong 20 năm qua, hết sức nguy hiểm. Cùng với đó là trạng thái vùng áp suất duy trì rất lâu ở miền Trung và nó tạo ra lượng mưa đã vượt qua các chỉ số đo lịch sử. Trong đó có những ngày lượng mưa như ở Quảng Nam lên đến trên 500 mm/1 ngày.
“Chúng ta tưởng tượng là nửa mét và có những nơi trong suốt giai đoạn đó là lượng mưa được tính toán vượt qua con số từ 2.000 đến 4.000 mm, lượng mưa đấy có thể nói là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa. Đây là một vấn đề lịch sử và có lẽ chúng ta cũng chưa tính toán được những vấn đề như vậy”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu.
Số liệu hết sức khách quan cho thấy rằng ở các vùng sạt lở, các khu vực như ở khu kiểm lâm 67 Phong Điền, Cha Lo, Minh Hóa; khu vực Binh đoàn 337 Hướng Hóa, Trà Leng, Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam; Phước Lộc, Phước Sơn; vùng sạt lở Rào Trăng 3 cho thấy đây là những khu vực ở độ cao từ 300 đến 900m. Nên nếu chúng ta kết luận là do thủy điện thì ở đây chưa có vấn đề do thủy điện và thủy điện Trà Leng 3 thì hiện nay chưa xây dựng. Chúng ta không nên đưa ra những suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học.
Yếu tố chung là toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất và các đứt gãy này trong thời gian vừa qua đã có sự cà sát và đứt gãy này tạo ra độ phong hóa từ 9 đến 16m. Cũng quá trình đó thì độ phong hóa này đã tạo ra đất, cát, sét, sỏi với độ gắn kết rất thấp và nằm trên địa hình đồi núi dốc, trọng lực trượt và độ dốc của sông, suối đều theo hình chữ V, vì thế luôn luôn nằm trong một động thái địa chất kiến tạo, đó là đứt gãy do tai biến địa chất đã hình thành.
Quá trình địa chất đó luôn làm cho đất đá bị nát vụn và thành phần đất đá như tôi báo cáo, với cộng thêm với vấn đề ngoại sinh đó là một lượng mưa lớn, người ta tính trong vòng khoảng 5 đến 10 ngày mà lượng mưa 100mm thì tất cả những khu vực này đều dẫn đến nguy cơ sạt lở.
Lượng mưa ngày 500mm cũng làm gia tăng trọng lực trượt của đất và làm cho sự gắn kết của các mảng trượt, cộng với vấn đề địa chất nội sinh đang hoạt động. Ở đây, còn có thêm sự kết hợp của các yếu tố cấu thành tổ hợp các thiên tai, thiên tai từ sạt lở đất nhỏ gắn với đồi núi dốc và các sông suối hẹp tạo nên những biển hồ nước và kích hoạt các hoạt động địa chất nội sinh đó là hoạt động trượt.
Nguyễn Hoàng