Trò chơi dịch bệnh và thứ virus đáng sợ hơn cả 

(Chinhphu.vn) - Bận rộn với công việc của mình, nhiều người lớn đang bỏ mặc con trẻ với đầy rẫy những cám dỗ trong đời sống và cả mạng xã hội.

 

Mới đây, người viết bài bắt gặp con trai đang học lớp 9 của mình chơi game trên mạng. Người chơi có nhiệm vụ gieo rắc dịch bệnh lên tất cả các quốc gia trên toàn cầu. Game mặc định các quốc gia sẽ thực hiện các biện pháp để dập dịch, nghiên cứu vaccine phòng bệnh. Cuộc đấu cứ giằng co cho đến khi hoặc dịch bệnh được gieo rắc toàn thế giới, vượt ra khỏi tầm kiểm soát và đó chính là chiến thắng của người chơi.

Ba tháng qua, thế giới quay cuồng với cơn đại dịch gây ra cái chết của nhiều chục nghìn người, hàng chục triệu người thất nghiệp, hàng tỷ người bị cách ly và cùng với đó là hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo... nhưng một đứa trẻ vẫn ngồi thản nhiên bấm chuột và tái hiện lại thảm cảnh đó, thậm chí còn đóng vai trò một người phát tán dịch bệnh. Trò chơi này đã ra đời cách đây 8 năm và có 130 triệu người chơi trên toàn cầu. Từ khi xuất hiện dịch COVID – 19, trò chơi này trở nên “hot” hơn bao giờ hết.

Tất nhiên, bất cứ  đứa trẻ nào tham gia trò chơi ấy, chúng hoàn toàn không có lỗi, nhưng vấn đề là người lớn chúng ta, trong đó có cả chính người viết, đang làm gì với con trẻ? Chúng ta, dù ít, dù nhiều, dù muốn, dù không cũng đã tham gia và góp phần tạo nên một thế giới hôm nay với tất cả những gì được coi là phát triển nhưng kèm theo đó cũng là tất cả những vấn đề của toàn cầu: Là tàn phá môi trường, là vắt cạn kiệt tài nguyên… Chính cuộc sống này đang tạo ra những thứ virus chết người mà đáng lo ngại là chúng ngày càng mạnh hơn.

Có lẽ đáng lo không kém những vấn đề lớn lao trên, nhiều người cũng đang tạo cho những đứa trẻ một sự vô cảm với chính cuộc sống của đồng loại, cuộc sống mà chính chúng cũng tham gia cũng góp phần cũng là thành viên và sẽ là một trong những chủ nhân trong tương lai.

Những câu chuyện thương tâm của những người chết không được tổ chức tang lễ, thậm chí thi thể bị bỏ lại ngoài đường, những “núi” bình đựng tro cốt người chưa có thân nhân đến nhận và cả những câu chuyện những linh mục, những cụ già nhường máy thở cho bệnh nhân khác để chấp nhận cái chết..., dường như tất cả chẳng gây cho những đứa trẻ mê game ấy bất kỳ mối bận tâm nào.

Người viết còn nhớ cách đây hơn 15 năm khi những clip đầu tiên của cảnh một nhóm khủng bố hành quyết con tin được phát tán trên mạng internet, với cảm giác cổ họng tắc nghẹn, hơi thở nghẹt lại và máu dồn ngược lên đỉnh đầu. Nhưng thời gian sau đó, những clip tương tự không gây được cho chúng tôi cảm giác tương tự. Tâm lý học gọi đó là quy luật thích ứng tình cảm. Khi một cảm xúc, tình cảm được lặp đi lặp lại sẽ suy yếu dần tác dụng và ngôn ngữ thông thường hay gọi là sự chai sạn tình cảm.

Có phải thế giới ảo với những game đủ loại từ bạo lực kinh dị đến những tình huống trớ trêu, thậm chí là những thảm họa mà con người không bao giờ muốn thấy dù chỉ là trong tưởng tượng lại, đang là đề tài để các nhà sản xuất khai thác triệt để để gây ấn tượng với người chơi, tuyệt đại đa số là giới trẻ.

Có lẽ sẽ không công bằng nếu đổ tất cả lỗi cho các game bạo lực, nhưng phải chăng đây là một lý do khiến nhiều đứa trẻ dần chai sạn cảm xúc? Chúng cảm thấy quen với những chém giết, những cảnh đầu rơi máu chảy. Và khi có những sự kiện tương tự xảy ra, trong chúng không còn những phản ứng thông thường như ghê sợ và quan trọng hơn, là không muốn nó xảy ra với chính mình hay với đồng loại của mình. Bất kỳ ai cũng cần một trí lực minh mẫn, một tâm hồn lành mạnh hay ít nhất là đủ nhạy cảm để chia sẻ với nỗi đau của đồng loại.

Vẫn phải nhắc lại một lần nữa, có lẽ sẽ không công bằng nếu đổ tất cả lỗi cho các game bạo lực, cho các nhà sản xuất game, khi nhiều người lớn còn mải mê với những bận rộn của riêng mình mà bỏ quên lũ trẻ trước những cám dỗ mà chúng chưa hề có kháng thể.

 

Phải chăng chính lối sống thiếu quan tâm đến nhau chính là thứ virus đáng sợ hơn cả? Tất nhiên, chúng ta vẫn còn đó niềm hi vọng vào rất nhiều những thứ tốt đẹp và tử tế, nhưng sẽ là không thừa khi mỗi người tự nhắc mình, tự cảnh giác về điều đó.

Quang Lê 

319 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1367
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1367
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87098053