|
Tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi. Ảnh minh họa |
Những năm qua, chính sách dành cho người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tới nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi. Số lượng đối tượng người có công được công nhận và thực hiện chế độ người có công ngày càng tăng, các mức trợ cấp thường xuyên được điều chỉnh.
Về kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, ngân sách Trung ương đã bố trí thực hiện các chính sách đối với người có công với trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng/năm.
Trong 10 năm gần đây (từ năm 2007-2016), tổng kinh phí trợ cấp là 133.306 tỷ đồng, trong đó kinh phí trợ cấp hằng tháng khoảng 120.747 tỷ đồng, kinh phí trợ cấp 1 lần khoảng 12.600 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách địa phương hằng năm dành cho công tác người có công với cách mạng bình quân khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, dù đã làm tốt các chính sách với người có công, nhưng đến nay vẫn việc còn tồn đọng khá lớn hồ sơ kê khai song chưa được xác nhận có công, nhất là 5.900 hồ sơ kê khai liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ LĐTB&XH sẽ tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh tại cấp tỉnh, phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản đối với số hồ sơ trên.
Đến nay, toàn quốc đã xác nhận trên 2.000 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong tổng số 5.900 hồ sơ tồn đọng, Bộ cũng trình Chính phủ bổ sung, cấp mới, đổi 35.000 Bằng Tổ quốc ghi công.
Đến cuối tháng 6/2017, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng công nhận 498 liệt sĩ và ngày 7/7/2017 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 989/QĐ-TTg công nhận 498 liệt sĩ.
Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục rà soát các hồ sơ tồn đọng và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ vào dịp Quốc khánh 2/9 và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.
Sẽ có chính sách với người có công với cách mạng định cư ở nước ngoài
Tại buổi họp báo về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ tổ chức vào chiều 10/7, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ có chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài.
Người có công ở nước ngoài hiện có 2 nhóm, gồm nhóm người có công đang hưởng chính sách trong nước, sau đó ra nước ngoài sinh sống, sẽ vẫn hưởng chính sách như khi còn ở trong nước.
Riêng với nhóm người có công nhưng định cư ở nước ngoài và chưa hưởng chính sách gì, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được đồng ý về nguyên tắc cần xây dựng chính sách cho nhóm đối tượng này. Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ LĐTB&XH để trình Chính phủ ban hành cơ sở pháp lý về chế độ.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài có công với cách mạng có nhiều đối tượng khác nhau, nên chính sách cho từng nhóm đối tượng cũng phải khác nhau”.
Liên quan tới những người sinh ra ở thế hệ thứ 3 (đời cháu) vẫn bị nhiễm di chứng của chất độc hóa học thời ông bà đi hoạt động cách mạng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Đây là câu chuyện phải bàn tới” và sẽ kiến nghị chính sách với nhóm đối tượng này lên Ban Bí thư.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết thêm, hiện Bộ đang phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB&XH xây dựng trung tâm dữ liệu số về liệt sĩ.
Cùng đó, Bộ LĐTB&XH cũng phối hợp cùng Bộ Quốc phòng xây dựng ngân hàng ADN liệt sĩ để thân nhân liệt sĩ ở bất kể đâu cũng có thể tự xét nghiệm ADN người thân và so sánh.