|
Vận chuyển hàng lên máy bay. |
Dự kiến, dự thảo Nghị định gồm 3 điều cần thay thế: Điều 1 - thay thế một số mẫu đơn, giấy chứng nhận của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 30; Điều 2 - thay thế một số tờ khai của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 92; Điều 3 - hiệu lực thi hành.
Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất thay thế một số mẫu đơn, giấy chứng nhận của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 30 theo hướng lược bỏ các thành phần không cần thiết đảm bảo phương án đơn giản hóa, gồm: Mẫu số 06: Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung; Mẫu số 08: Đơn đề nghị đăng ký (nội dung đăng ký sử dụng thương hiệu); Mẫu số 09: Giấy chứng nhận đăng ký (nội dung đăng ký thương hiệu); Mẫu số 10: Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất thay thế một số tờ khai của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 92 gồm: Mẫu số 1: Đơn đề nghị cấp/cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không/Giấy phép kinh doanh hàng không chung; Mẫu số 3: Tờ khai cấp/cấp lại Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay.
Theo Bộ GTVT, ngày 18/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ GTVT.
Trong đó, giao Bộ GTVT “căn cứ nội dung phương án đơn giản hoá được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Trước đó, ngày 6/8/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Cụ thể, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, bảo đảm tính tổng thể, kế thừa và liên thông kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, để tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa.
Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo Kế hoạch có thể được thực hiện theo hình thức một văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện hướng dẫn việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn tại các văn bản của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an; trong đó, hướng dẫn về các quy định đối với 2 dịch vụ xác thực thông tin (dịch vụ xác thực số định danh các nhân và chứng minh nhận dân; dịch vụ xác thực thông tin hộ gia đình) và dịch vụ tra cứu thông tin (đòi hỏi 3 trường thông tin đầu vào là: họ và tên, ngày tháng năm sinh và số định danh/CMND).
Do vậy, Bộ GTVT báo cáo và đề xuất Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định nêu trên theo hướng bãi bỏ (lược bỏ) các trường thông tin của công dân đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thay thế các trường thông tin (về giới tính, dân tộc, quốc tịch, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú…) bằng 3 trường thông tin: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân/chứng minh nhân dân. Trong đó, trường hợp các trường thông tin không cần thiết với cả người dân cũng như đối với cơ quan quản lý nhà nước thì lược bỏ; trường hợp các trường thông tin cần thiết để bảo đảm quản lý nhà nước đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì không yêu cầu người dân cung cấp nhưng vẫn quy định trong văn bản để các đơn vị có cơ sở pháp lý khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cũng theo Bộ GTVT, các đơn đề nghị, tờ khai tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30 và Nghị định số 92 đã được bổ sung thêm trường thông tin căn cước công dân, bỏ trường thông tin dân tộc (vì không cần quản lý trường thông tin này), đồng thời bổ sung hướng dẫn “Công dân Việt Nam cung cấp thông tin CCCD hoặc CMND không cần khai các thông tin quốc tịch, ngày cấp, nơi cấp, giới tính, chỗ ở hiện tại, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trong Đơn đề nghị; Công dân cung cấp thông tin về Hộ chiếu khai đầy đủ thông tin theo mẫu đơn”.
Liên quan đến nội dung dự thảo Nghị định có thay thế Mẫu số 09 - mẫu Giấy chứng nhận (nội dung đăng ký thương hiệu) theo hướng đơn giản hóa các thông tin trong mẫu Giấy chứng nhận đảm bảo thống nhất các thông tin trong đơn đề nghị đăng ký sử dụng thương hiệu, Bộ GTVT cho biết, việc thay thế Mẫu Giấy chứng nhận phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về giấy tờ công dân và thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.