Trở lại xã Thanh, một trong 11 xã biên giới của huyện Hướng Hóa, nơi sinh sống của 815 hộ, với 4.207 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều, qua chuyện trò làm ăn với các đồng chí lãnh đạo xã và bà con dân bản, ai ai cũng tỏ lời ngợi khen anh Hồ Văn Chung, ở thôn Thanh Ô là tấm gương tiêu biểu về sự nỗ lực vượt khó làm giàu từ tiềm năng, lợi thế của quê hương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bao đời chỉ biết sống bám vào nương rẫy vì thế cuộc sống của gia đình anh Chung và người dân trong vùng rất khó khăn, lạc hậu. Cuộc sống nghèo khổ đã nhen nhóm và nung nấu ý chí thoát nghèo trong anh. Anh nghĩ muốn thoát nghèo, lạc hậu thì không có cách nào khác là phải giám nghĩ, dám làm, đổi mới cách làm ăn. Cơ duyên làm thay đổi nhận thức và thói quen trong sản xuất nông nghiệp đã đến với anh là được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân xã phối hợp với các phòng, trạm liên quan của huyện tổ chức. Đặc biệt năm 2003, khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa xây dựng tại xã Thuận hoàn thành đưa vào hoạt động, được sự hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ hom giống, phân bón của Nhà máy, anh Chung đã mạnh dạn đầu tư công sức, tiền vốn khai hoang đất đồi để trồng sắn nguyên liệu KM94 và diện tích sắn của gia đình cứ mở rộng dần theo từng năm. Đến nay, diện tích sắn đã lên đến 8 ha. Nói về chuyện trồng sắn, anh Chung cho biết “Trước đây, gia đình mình cũng trồng sắn trên triền đồi nương rẫy, nhưng thời đó, củ sắn thu hoạch về chủ yếu là cứu đói. Nếu có dư ra thì xắt lát phơi khô, chờ tiểu thương dưới xuôi lên mua. Nhưng từ khi có Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, họ bao tiêu toàn bộ sản phẩm, nên mình chỉ có việc làm sao trồng sắn củ to. Niên vụ sắn năm nay, gia đình đã nhập cho nhà máy 7 xe sắn, với số tiền thu về 91 triệu đồng”.
Cùng với trồng sắn nguyên liệu KM 94, những năm gần đây nhận thấy các hộ nông dân ở các xã: Thuận, Tân Long, người dân thu nhập cao từ chuối. Từ năm 2014, gia đình anh đã khai hoang đất đồi trồng chuối, bình quân mỗi năm thu về hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình trồng 2 ha bời lời, nuôi 7 bò; nuôi lợn và các loại gia cầm. Mới đây, gia đình đã bán 2 con bò với số tiền 35 triệu đồng.
Nhờ siêng năng làm lụng lại giỏi căn cơ tính toán, nên từ chỗ là hộ nghèo của địa phương, gia đình anh Chung đã có của ăn, của để, tạo dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa các tiện nghi đắt giá, nuôi các con ăn học.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, nhiệt tình trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương. Anh luôn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và bà con dân bản cùng xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của nhiều hộ dân, anh đã thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, phổ biến sản xuất, hỗ trợ vật nuôi, cây giống để các hộ cùng làm theo.
Nói về hội viên Hồ Văn Chung, anh Hồ Văn Khưa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh cho biết, anh Chung là tấm gương tiêu biểu về ý chí vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương. Mô hình kinh tế từ trồng sắn, chuối, nuôi bò, lợn và các loại gia cầm của anh không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, mà còn là động lực, sức lan tỏa để các hộ nông dân trong xã học tập làm theo, làm cho cuộc sống của gia đình và cảnh quan thôn bản ngày một đổi thay.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, từ một hộ khó khăn của xã, đến nay anh Hồ Văn Chung đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương. Nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở và cấp huyện.
Nguyễn Đình Phục