Triệu phú nơi vùng thấp lụt 

Trong một lần đi thực tế ở cơ sở, chúng tôi được nghe người dân tấm tắc khen ngợi sự “bứt phá” trong cách làm ăn của nông dân Ngô Văn Nẵng, sinh năm 1967 ở làng An Mô, xã Triệu Long, Triệu Phong (Quảng Trị).

Lần theo sự chỉ dẫn của bà con ở đây, chúng tôi băng qua một con đường đất lầy lội, tìm về nhà anh Nẵng ở cuối con đường xóm. Sau mấy câu chào hỏi xã giao, anh dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình “nuôi lợn hiện đại” của mình. Vừa cho lợn ăn, anh vừa tâm sự với chúng tôi: “Sau nhiều năm ấp ủ dự định và tích lũy được ít vốn, năm ni tôi mới đầu tư 650 triệu đồng để xây dựng toàn bộ hệ thống chuồng trại, kho đựng thức ăn chăn nuôi, hệ thống phun sương tự động, quạt làm mát cho lợn… luôn đảm bảo mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Tôi nghĩ có mạnh dạn như vậy mới mong làm thay đổi cuộc sống”.    

Được biết, vợ chồng anh Nẵng nuôi lợn cách đây đã hơn chục năm. Thời gian đầu, gia đình anh nuôi với số lượng ít, chỉ một vài con để tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp. Nuôi ít cũng là do không có nguồn vốn, thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm, vả lại dịch tai xanh luôn rình rập đe dọa đến việc chăn nuôi của gia đình và những hộ nông dân khác.

Tuy nhiên, với suy nghĩ mình sống ở vùng thuần nông, bữa cơm hàng ngày, tiền sách vở, học phí của các con hoàn toàn phụ thuộc vào mấy sào ruộng khoán, nếu không chăn nuôi thêm con gà, con lợn theo truyền thống thì biết khi nào khá lên được. Nghĩ là làm, để có được kỹ thuật trong chăn nuôi, anh đã chịu khó dành thời gian đọc sách báo, xem các chương trình hướng dẫn trên ti vi. Tất cả đều được anh ghi chép rất cụ thể, chi tiết vào sổ tay. Chưa thỏa mãn, anh còn thường xuyên rong ruổi khắp các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh để tìm hiểu, học hỏi về cách nuôi hiệu quả, ít bệnh tật. Bên cạnh đó, anh tiếp tục tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho lợn do Hội Nông dân xã và huyện tổ chức. Chính những kiến thức “nhặt nhạnh” được đã trở thành “bảo bối” để anh có được thành công như ngày hôm nay…

Kỹ thuật đã nắm trong tay, vợ chồng anh bàn bạc mạnh dạn làm thủ tục vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm lợn thả nuôi. Cứ thế, những lứa lợn khỏe mạnh liên tục được xuất chuồng và mang về cho gia đình nguồn thu đáng kể. Nhờ đó, đời sống kinh tế ngày càng ổn định. Khi làm ăn có lãi, tích lũy được ít vốn, vợ chồng anh tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.  

Hiện tại, trong hệ thống chuồng trại hiện đại này có 25 lợn nái, mỗi lợn nái sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa trung bình 10 con. Như vậy, trong chuồng thường xuyên có 500 con lợn. Tùy thuộc vào giá cả thị trường để xuất bán các lứa lợn khác nhau, có khi nuôi khoảng hơn 1 tháng anh bán lợn con (6,5 - 7kg/con) với giá 100 nghìn đồng/kg, có khi nuôi 5 tháng để bán lợn chọi (15-17 kg/con) với giá 80 nghìn/kg, khi để nuôi bán lợn thịt (70 kg trở lên/con) với giá dao động từ 42-50 nghìn đồng/kg. Nhẩm tính mỗi năm từ việc bán đàn lợn khoảng 650 triệu đồng. Sau khi khấu hao chi phí tiền bột, điện, nước, thuốc men…cho lãi ròng gần 300 triệu đồng.  

Không bằng lòng với những kết quả đạt được, anh Nẵng mạnh dạn đầu tư vốn chăn nuôi bò nhốt chuồng. Trong chuồng thường xuyên có 6-7 con bò lai. Để đảm bảo nguồn thức ăn sạch, tại chỗ cho đàn bò, anh trồng thêm 4 sào cỏ voi. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn bò gia đình luôn khỏe mạnh, sinh sản tốt. Mỗi năm, anh xuất bán 2 con mang về cho gia đình nguồn thu 30 triệu đồng.   

“Không làm thì thôi, một khi đã quyết tâm làm kinh tế thì càng say sưa” - anh Nẵng bộc bạch thêm. Nhận thấy phụ phẩm trong nông nghiệp còn khá dồi dào, anh tận dụng đất vườn còn rộng xây thêm chuồng trại, rào vườn mua gà về thả với số lượng hàng trăm con. Thu nhập từ việc bán trứng và gà thịt cũng đến vài chục triệu mỗi năm.  

Mặc dù đã ở cái tuổi xấp xỉ 50 nhưng khi được hỏi về dự định sắp tới, anh Nẵng không chút ngần ngại trả lời: “Sau khi hoàn thiện hệ thống phun sương tự động này, tôi sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi lợn, gà, bò và trồng thêm cỏ. Nếu thiếu vốn, tôi sẽ vay thêm các kênh ngân hàng…Phải chịu khó, quyết tâm làm mới có tiền nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn và còn làm giàu cho bản thân nữa chứ…”.   

Ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Long cho biết thêm: “Triệu Long là vùng thường xuyên bị lũ lụt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, người dân ở đây rất chịu khó tìm tòi hướng làm ăn. Trong đó, mô hình kinh tế tổng hợp VAC của anh Ngô Văn Nẵng tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vượt khó, không cam chịu đói nghèo. Từ mô hình này mỗi năm mang lại cho gia đình gần 300 triệu đồng. Ở vùng nông thôn với mức thu nhập đó không hề nhỏ. Có thể nói, những gương sáng như anh Nẵng rất đáng để mọi người học tập và làm theo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả nhằm tăng thu nhập, nâng cao mức sống”.  Hồng Lĩnh 

1603 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1111
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1111
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87104218