Để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, huyện Triệu Phong đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Triệu Phong đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu tổng thể là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch, hạ tầng du lịch, quảng bá; liên kết, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch để phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 45.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 160 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,7% tổng giá trị thương mại - dịch vụ của huyện; giải quyết việc làm tại chỗ cho khoảng 500 lao động.
Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Triệu Phong trên hệ thống thông tin đại chúng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các nền tảng mạng xã hội, internet,... để giới thiệu về mảnh đất và con người Triệu Phong. Quy hoạch các khu du lịch, các di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, danh lam thắng cảnh của huyện. Chủ động, tích cực phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của huyện đến với du khách trong nước và ngoài nước. Kết hợp hoạt động thông tin, tuyên truyền, đối ngoại với quảng bá du lịch; chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thu hút về đầu tư du lịch trong các hoạt động đối ngoại, sự kiện của huyện. Tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính để các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư vào huyện nói chung, vào phát triển du lịch nói riêng, nhất là các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Phối hợp tham gia xây dựng quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2023 - 2030.
Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung, phát triển du lịch nói riêng được tăng cường đầu tư, nâng cấp. Nhiều công trình, dự án quan trọng, tạo kết nối, động lực phát triển được xây dựng như: cầu Thành Cổ, cầu An Mô mới, đường từ cầu An Mô đến Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn huyện, tuyến tránh quốc lộ 1A, đường trục chính Khu Kinh tế Đông Nam, đường Hùng Vương kết nối hành lang kinh tế Đông Tây và Khu Kinh tế Đông Nam (dự án BIIG2), đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây, đường Trần Phú... nâng tổng chiều dài đường giao thông toàn huyện lên 1.152,93km, bao gồm: 32,3km đường quốc lộ (Quốc lộ 1 dài 7,4km và quốc lộ 49C dài 24,9km); đường tỉnh 11,5km (ĐT578b dài 5,5km, ĐT579 dài 06km); 68 tuyến đường nội thị; 30 tuyến đường huyện; 86 tuyến đường xã, đường liên thôn và khoảng 602,7km đường thôn, xóm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhu cầu đi lại, vận tải, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn. Hệ thống chợ được nâng cấp, xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả. Toàn huyện có 14 chợ theo quy hoạch, trong đó đã có 12 chợ được đầu tư xây dựng (trong đó: 01 chợ Ái Tử là chợ hạng II; còn lại 11 chợ hạng III). Hệ thống chợ và cửa hàng thương mại, đại lý buôn bán,... được hình thành khá rộng khắp, phục vụ đầy đủ nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân. Hiện so hơn 3.000 tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại các chợ. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch có 13 nhà nghỉ, với 100 phòng nghỉ; có 650 cơ sở ăn uống phục vụ du khách và 35 điểm phục vụ hoạt động vui chơi giải trí trên toàn địa bàn huyện. Huyện đã đầu tư cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu và đưa vào khai thác Khu dịch vụ du lịch bãi tắm Nhật Tân (xã Triệu Lăng); hoàn thành đường giao thông tuyến T1, T6 vào Khu du lịch sinh thái Hồ Ái Tử. UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hồ Ái Tử (xã Triệu Ái), đầu tư nâng cấp đường và hệ thống điện chiếu sáng vào chùa Sắc Tứ Tịnh Quang,... Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa của huyện cũng được quan tâm đầu tư tôn tạo, nâng cấp. Phối hợp khởi công dự án tôn tạo, nâng cấp Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (xã Triệu Thành); nâng cấp một số hạng mục Đền thờ Bác Hồ (xã Triệu Ái), chốt thép Long Quang (xã Triệu Trạch), Nhà tưởng niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực (xã Triệu Thuận), Tượng đài chiến thắng Cửa Việt (xã Triệu An), khánh thành Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, xây dựng kè đá chống sạt lở bến Ghềnh Phủ (xã Triệu Giang); ....Tiến hành cắm mốc khoanh vùng bảo vệ đối với 33 di tích cấp tỉnh trên địa bàn. Quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt quần thể di tích chúa Nguyễn trên địa bàn huyện với 10 điểm di tích thành phần. Xây dựng kế hoạch phân kỳ thực hiện việc lập hồ sơ khoa học và pháp lý đối với 42 di tích cấp tỉnh; cắm mốc chỉ giới, bia biển đối với 01 di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị”; đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp đối với 07 di tích cấp tỉnh theo Nghị quyết số 167/NQHĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh “về đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hoá tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025”.
UBND huyện đã chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch. Các lớp tập huấn về lĩnh vực du lịch, chuyển giao công nghệ cho các làng nghề, hướng dẫn chuyển giao các mô hình sản xuất, dạy nghề cho Nhân dân được tổ chức bước đầu mang lại hiệu quả khá tốt. Tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có 5.340 người. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường. UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch huyện. Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện làm tốt công tác tham mưu lĩnh vực du lịch của huyện. Thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ quản lý về du lịch cho các địa phương trên địa bàn; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, nhất là đối với các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, quán ăn, vận chuyển hành khách,... Chỉ đạo thành lập Ban quản lý Khu bãi tắm Nhật Tân (xã Triệu Lăng), ban hành quy chế hoạt động để quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, văn minh trong hoạt động du lịch.
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành du lịch đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển KT-XH tại địa phương, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Tuy nhiên, ngành du lịch huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và chưa được khai thác xứng tầm.
Trong thời gian tới, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, Triệu Phong đã triển khai các giải pháp sau:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị- xã hội để phát triển du lịch- xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó nhấn mạnh cần nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực phát triển.
Nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch gắn với phát triển du lịch.
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.
Đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, gắn kết chặt chẽ giữa du lịch và phát triển kinh tế- xã hội.
Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Thủy Phương