Xác định phát triển kinh tế biển ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian qua, huyện Triệu Phong đã khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, có nhiều chủ trương, chính sách và dành nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế biển và đạt được một số kết quả tích cực.
Để cụ thể hóa các chủ trương về khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, huyện Triệu Phong đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ban hành Chương trình hành động số 08- CTHĐ/HU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, gắn với Nghị quyết số 05-NQ/HU “Khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển giai đoạn 2017 - 2020” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn và tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển của huyện. Chỉ đạo các cơ quan, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát động nhiều phong trào thi đua hành động, huy động sự tham gia phối hợp tích cực của hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của toàn hệ thống chính trị huyện, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển KT-XH, góp phần huy động và phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế biển.
Trong khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, công tác phát triển du lịch được huyện Triệu Phong quan tâm, đã tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. Chỉ đạo thành lập Ban quản lý Khu bãi tắm Nhật Tân (xã Triệu Lăng), ban hành quy chế hoạt động để quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, văn minh trong hoạt động du lịch. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiến hành các bước lập quy hoạch dự án Khu nghỉ dưỡng, sinh thái tại xã Triệu Vân, khu du lịch cộng đồng xã Triệu Độ. Công tác thu hút đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ ở khu vực Nam Cửa Việt được chú trọng, đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư phát triển thương mại- dịch vụ, gắn sản xuất với chế biến; tích cực quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa. Duy trì, phát triển các tuyến vận tải hàng hóa, từ Triệu Lăng- Quảng Trị, Triệu An- Quảng Trị; tạ điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu tại xã Triệu An, Triệu Lăng. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo động lực cho phát triển kinh tế, nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở mới, đặc biệt là các tuyến đường chính về các xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông của vùng. Nhiều công trình quan trọng được triển khai thực hiện như Đường Trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam đi qua địa bàn huyện Triệu Phong; đường nối Khu Công nghiệp Đông Nam Quảng Trị đến Cảng Cửa Việt; nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt; đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị (giai đoạn 1); xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá…Các ngành nghề có lợi thế được phát huy như: nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá... Huyện đã có nhiều mô hình ứng dụng thành công tại các xã ven biển, đó là chuyển đổi diện tích trồng lúa chất lượng thấp sang chất lượng cao; mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng đậu xanh, đậu đen xanh lòng, ném kiệu, khoai lang tím Nhật Bản; mô hình ương nuôi tôm 2 giai đoạn, mô hình nuôi tôm thâm canh bằng chế phẩm sinh học… đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Để trong thời gian tới, để tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống cho Nhân dân, tại Hội nghị lần thứ Mười ba Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Phong, khoá XX đã thống nhất đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành cấp huyện về phát triển kinh tế biển trên địa bàn và khai thác tiềm năng, lợi thế vùng biển- xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó, nhấn mạnh cần nhận thức rõ phát triển kinh tế biển có khả năng đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tiếp tục quán triệt sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch, theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình hành động số 08-CTHĐ/HU, ngày 05/7/2019 của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Nghị quyết số 08- NQ/TW của Trung ương, Chương trình hành động số 83-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 61-KH/HU của Huyện ủy.
- Tiếp tục phối hợp với các Sở, ban ngành cấp tỉnh thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu giai đoạn 2 - Khu kinh tế Đông Nam; rà soát, bổ sung Quy hoạch chi tiết các điểm công nghiệp làng nghề, điểm kinh doanh thương mại 5 - dịch vụ... Phối hợp triển khai xây dựng và hoàn thiện các khu chức năng theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết được duyệt; xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; tích cực phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất- kinh doanh. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Nam Cửa Việt. Quản lý tốt quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản hợp lý , hiệu quả.
- Tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế biển, tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại, theo chiều rộng và chiều sâu. Tiếp tục phát triển nghề khai thác hải sản, chế biến hải sản. Tích cực vận động, khuyến khích ngư dân tăng cường ra khơi bám biển, mạnh dạn đầu tư nâng cấp cải hoán tàu thuyền, đầu tư ngư lưới cụ vươn ra ngư trường xa bờ. Khuyến khích du nhập nghề mới phù hợp với ngư trường, đa dạng hoá nghề khai thác nhằm tăng thời gian đánh bắt trong năm, tăng năng suất sản lượng và hải sản xuất khẩu. Khai thác gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Quan tâm công tác khuyến công, đào tạo nghề, phát triển công nghiệp chế biến thuỷ sản. Có biện pháp huy động, kêu gọi vốn đầu tư mở rộng và phát triển về quy mô, sản lượng chế biến, các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá, không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm, kích thích phát triển sản xuất. Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững, hiệu quả; hài hoà với các quy định về kiểm soát thuỷ sản theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục nhân rộng những mô hình nuôi tôm đạt năng suất, sản lượng cao. Rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp làng nghề, xúc tiến kêu gọi các dự án vào đầu tư xây dựng, sản xuất. Khôi phục và mở rộng một số nghề truyền thống có uy tín để phát triển làng nghề, phát triển HTX đi đôi với liên kết sản xuất tạo thế chủ động trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ khuyến công để phát triển sản xuất công nghiệp. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao quy mô năng lực sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao, tích cực chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, từng bước xây dựng “nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao”. Thúc đẩy liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng cát. Phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển gắn với khai thác lợi thế Khu kinh tế Đông Nam; kết nối các tour du lịch trên địa bàn huyện với các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản l nhà nước về hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch.
- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ, gắn sản xuất với chế biến, tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp thương mại, phát triển các đại lý, đầu mối cung cấp hàng hóa, vật tư nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh, mở rộng và nâng cao hiệu quả các loại hình dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Tích cực quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa.
- Tăng cường, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Phát triển kinh tế đi đôi với không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện; phát triển tiềm lực quốc phòng, an ninh, củng cố và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị tác chiến cho lực lượng công an, quân sự và dân quân tự vệ vùng ven biển mạnh để nâng cao khả năng chiến đấu, bảo đảm giữ vững chủ quyền biên giới biển, ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Thủy Phương