Xuất khẩu lao động là một trong những hoạt động nhận được nhiều sự quan tâm từ Đảng và Nhà nước cùng người dân do đây là hoạt động xuất khẩu liên quan đến tài nguyên con người. Hiện nay, Nhật Bản đang trở thành nước dẫn đầu trong số những thị trường Việt Nam xuất khẩu lao động. Mối quan hệ ngoại giao ngày càng khăng khít giữa hai nước, cùng với sự bù đắp về thiếu hụt lao động, nét văn hóa Đông Á tương đồng và vị trí địa lý là những nhân tố đóng góp cho sự tăng mạnh về số lượng lao động xuất khẩu trong một thập niên trở lại đây. Nhật Bản được coi là đối tác chiến lược hàng đầu, nhà tài trợ ODA lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tính đến năm 2019.

Ngành điều dưỡng, hộ lý là một ngành mới được đưa vào trong danh sách các ngành nghề đào tạo lao động xuất khẩu. Với đặc thù và yêu cầu riêng biệt, ngành điều dưỡng, hộ lý có những điều kiện nhất định đối với lao động, trong đó có năng lực và thái độ. Dự báo trong tương lai, Nhật Bản ngày càng cần nhiều nhân lực trong ngành nghề này. Tuy nhiên, hiện nay, số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản theo diện điều dưỡng, hộ lý vẫn chưa đạt như mong muốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Chính phủ chưa có các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động này, các doanh nghiệp chưa có quy trình tuyển chọn và đào tạo chất lượng cao, người lao động còn thiếu kỹ năng, hiểu biết.

Điều dưỡng, hộ lý người Việt Nam được đối tác Nhật Bản đánh giá cao (Ảnh: PV )

Xuất khẩu lao động trong ngành điều dưỡng, hộ lý giai đoạn 2012-2019

Số lao động xuất khẩu của Việt Nam tăng trong những năm vừa qua, theo đó, từ năm 2012, tổng số lao động của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác là 80.320 người, con số này liên tục tăng cho đến cuối năm 2019, số lao động xuất khẩu đạt 147.387 người, tăng hơn 87%.

Kể từ năm 2018, Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam. Vào năm 2019, số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 54% trong tổng số lao động xuất khẩu. Kể từ khi hai Chính phủ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản đã liên tục tăng, dù những năm đầu còn gặp nhiều khó khăn do đây là một thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về trình độ, năng lực và thái độ. Hơn nữa, tiếng Nhật còn là một trong những ngôn ngữ khó trên thế giới, trở thành rào cản lớn đối với người lao động Việt.

Số lượng lao động xuất khẩu theo ngành điều dưỡng, hộ lý chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản. Chương trình EPA của Chính phủ là một chương trình uy tín và có quyền hạn tuyển chọn, tiến cử lao động theo ngành này sang Nhật Bản. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ khi triển khai chương trình đến nay, có 1.440 lao động tham gia, 1.109 lao động chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản. Con số này chỉ chiếm 0,01% so với tổng số lao động xuất khẩu trong riêng năm 2019.

Mặc dù tổng số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản tăng liên tục qua các năm với mức tăng mạnh, số lao động ngành điều dưỡng, hộ lý lại có xu hướng ổn định, mức độ tăng không nhiều. Con số thực tế còn khá khiêm tốn so với những ngành nghề khác.

Nguyên nhân có thể đến từ nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó bản thân ngành điều dưỡng, hộ lý là một ngành yêu cầu trình độ khá cao. Lao động không những phải đáp ứng trình độ về điều dưỡng, y tá, mà còn phải có trình độ tiếng Nhật đạt mức thành thạo (N2) để có thể giao tiếp cơ bản và chuyên môn đối với người bệnh. Ngoài ra, lao động phải đáp ứng về sức khỏe, kỹ năng và thái độ tốt để có thể làm việc trong môi trường áp lực cao như Nhật Bản. Không những vậy, lao động theo ngành điều dưỡng, hộ lý khi sang Nhật Bản vừa học vừa làm, muốn có cơ hội ở lại làm việc thì cần đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản về điều dưỡng, hộ lý.

Triển vọng và định hướng

Các học viên bên mô hình sơ cấp cứu (Ảnh: PV) 

Theo Tổ chức Phúc lợi quốc tế Nhật Bản (JICWELS), các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam được đánh giá cao về tinh thần làm việc chăm chỉ, ngoại ngữ khá, thái độ cầu thị. Hơn nữa, dự báo 5 năm tới, Nhật Bản ước tính cần khoảng 250.002 hộ lý, điều dưỡng viên. Việt Nam là một trong số những nước mà Nhật Bản đang tích cực hợp tác tuyển chọn, đào tạo lao động ngành nghề này. Có thể thấy, sự thiếu hụt về lực lượng lao động, cùng tình trạng dân số già đang là những vấn đề nan giải mà Nhật Bản gặp phải. Để khắc phục tình trạng này, Nhật Bản đã liên tiếp đưa ra những chính sách hỗ trợ lao động các nước đến làm việc. Riêng với Việt Nam, song song với việc ký kết những hiệp định, biên bản ghi nhớ với chính phủ, Nhật Bản cũng thay đổi một số các quy chế về visa, cư trú, xuất nhập cảnh, tạo điều kiện dễ dàng cho người lao động.

Do đó, Chính phủ Việt Nam cũng nên có các chính sách tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội được làm việc, cư trú, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất. Chính phủ có thể xem xét việc thí điểm thêm với 1 số doanh nghiệp xuất khẩu lao động ngoài 13 doanh nghiệp đã được cấp phép, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự mình tuyển chọn, đào tạo và tiến cử lao động.

Phía doanh nghiệp xuất khẩu lao động trước hết cần tự ý thức được vai trò của mình, đặt quyền lợi của người lao động song song với lợi ích của doanh nghiệp; cần chủ động minh bạch các thông tin về cư trú, tài chính, chế độ cho người lao động; đưa ra các biện pháp quản lý người lao động tốt, tránh phát sinh những tình huống xấu. Đồng thời, cần phải có quy trình tuyển dụng, đào tạo tốt, liên tục phối hợp giữa lý thuyết và thực tế để người lao động làm quen dần với môi trường làm việc.

Ngoài ra, bản thân người lao động cần tự giác chấp hành các quy định của hai nước về nhập cảnh, cư trú, cần phải rõ ràng trong việc kê khai thông tin, có lý lịch đạo đức, phẩm chất tốt. Người lao động cũng cần tuân thủ theo sự quản lý của doanh nghiệp và nơi làm việc, có thái độ chăm chỉ, có kiến thức vững vàng; tránh các tình trạng bỏ trốn, vi phạm pháp luật nơi làm việc.

Nhưng, để nắm lấy cơ hội và bắt kịp xu thế, không chỉ Chính phủ mà bản thân doanh nghiệp và người lao động cần đồng lòng, hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy hoạt động này hiệu quả hơn trong thời gian tới./.

 
Lê Anh - Nguyễn Liên