|
Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước. |
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng khá cao với động lực chính là tăng trưởng của ngành công nghiệp và các ngành dịch vụ thị trường. Cụ thể, trong ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế với mức tăng 11,37%. Ngành khai khoáng sau 3 năm giảm liên tục đã đạt mức tăng trưởng 2,68% nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong khu vực dịch vụ, hầu hết các ngành ngành dịch vụ thị trường có mức tăng cao hơn tốc độ tăng của GDP; trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng 8,31% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ và đóng góp lớn nhất vào tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Đó là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, khả năng hấp thụ vốn ODA chưa cao. Thời tiết diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất của ngành trồng trọt và chăn nuôi. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu giảm đáng kể. Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, trên cơ sở kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực 9 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP năm 2019. Để cả năm tốc độ tăng GDP đạt 6,8% thì GDP quý IV phải tăng 6,45%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,38% và khu vực dịch vụ tăng 7,03%.
Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên ngành chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng âm 0,61%, trong khi đó kịch bản xây dựng ban đầu của ngành này là tăng trưởng 4,31%. Bên cạnh đó, sản lượng lúa cũng giảm so với kịch bản ban đầu, 9 tháng sản lượng lúa giảm khoảng 460 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khó đạt được tốc độ tăng trưởng đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, các ngành công nghiệp và dịch vụ thị trường cần phải tăng tốc để bù đắp vào phần thiếu hụt của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế năm 2019 có triển vọng rất khả quan đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch 5 năm là tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 6,5% - 7% và đến thời điểm này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 6,7%. Nếu tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt mục tiêu cao nhất mà Quốc hội đề ra là 6,8% thì tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,73%, góp phần quan trọng thực hiện kế hoạch tăng trưởng trong cả giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo đà thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương cần bám sát tình hình thực tiễn; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Theo đó, các cấp, ngành tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019; tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Chính phủ cần có giải pháp thu hút, lựa chọn và hấp thu vốn FDI và ODA; đồng thời tổ chức thực hiện nhanh và hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, có giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường sản xuất đối với cây trồng ngắn ngày, nâng cao chất lượng các loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; điều chỉnh phương thức sản xuất trong ngành trồng trọt, chuyển dần sang hướng tập trung tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Từ đó, hình thành sự liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, thực hiện cơ giới hóa trong khâu thu hoạch nhằm giảm giá thành, nâng cao hiệu quả và ổn định trong sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tập trung nguồn lực để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng, hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi; ưu tiên bảo vệ tốt đàn lợn nái phục vụ cho công tác tái đàn sau khi khống chế được dịch bệnh. Ngành thủy sản phải gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích và dự báo tốt các tín hiệu của thị trường để có những bước đi phù hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Đồng thời, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao hiệu quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EVFTA… Đối với xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, cần giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn chất lượng. Điều này góp phần quan trọng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này; đồng thời tận dụng được cơ hội mang lại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Thu Hà