Bên cạnh loại cây trồng chính là sắn với diện tích trên 2.000 ha, thời gian qua người dân huyện Đakrông còn phát triển được khoảng 235 ha dứa giống địa phương, trong đó trên 207 ha đang cho thu hoạch, với năng suất khoảng 60 tạ/ha, sản lượng hàng năm ước đạt gần 1.250 tấn. Tuy nhiên cũng như nhiều loại cây trồng khác, từ trước đến nay cây dứa chỉ được người dân trồng manh mún, nhỏ lẻ, không tuân theo một quy trình nào từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đặc biệt thị trường tiêu thụ dứa không ổn định, chủ yếu phụ thuộc thương lái nên thường bị ép giá, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho nông dân.
Chính vì vậy khi thông tin dự án phát triển vùng trồng dứa nguyên liệu do Công ty Đồng Giao đầu tư với hình thức liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân huyện Đakrông được triển khai bắt đầu từ đầu năm 2017 đã được chính quyền và người dân địa phương vui mừng đón nhận. Ông Hồ Văn Đang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đakrông cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về dự án, huyện đã tổ chức họp dân để lấy ý kiến, hiện đã có 2.591 hộ dân 13 xã trên địa bàn đăng ký tham gia dự án trồng dứa giống Queen với tổng diện tích trồng mới trong năm 2017 dự kiến là 1.960 ha.
Những năm tiếp theo, tùy điều kiện thực tế người dân sẽ đăng ký thêm, phần lớn diện tích trồng dứa mà người dân đăng ký được chuyển đổi từ đất trồng sắn kém hiệu quả ở các xã vùng phía Nam huyện như Pa Nang, Tà Long, Húc Nghì, Tà Rụt... Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, một trong những địa phương tham gia dự án trồng dứa nguyên liệu cho rằng, trong điều kiện về thổ nhưỡng của địa phương, cùng vị trí địa lý cách xa các nhà máy sắn thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây sắn các loại cây trồng khác là vấn đề bức thiết.
Bởi những năm gần đây, giá thu mua sắn trên địa bàn quá thấp, việc tiêu thụ sản phẩm sắn củ cũng gặp khó khăn, nhiều nông dân trên địa bàn kiến nghị chuyển đổi cây trồng nhưng xã vẫn chưa biết chọn cây gì cho phù hợp. Sắp tới dự án trồng dứa nguyên liệu triển khai, lại có sự bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp nên chúng tôi rất vui mừng. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có 329 hộ dân đăng ký với tổng diện tích tham gia dự án 439 ha.
Theo ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, trước mắt để triển khai dự án, huyện sẽ tiến hành xây dựng thí điểm 10 mô hình trồng dứa giống Queen tại 10 xã tham gia dự án (mỗi xã 1 ha), nguồn giống do Công ty Đồng Giao cung cấp. Người dân tham gia mô hình thí điểm sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Sau khi triển khai mô hình thí điểm, huyện sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà.
Trong khi đó, về phía Công ty Đồng Giao, theo những văn bản mà doanh nghiệp này cam kết với UBND tỉnh Quảng Trị, công ty đảm bảo cung ứng giống dứa Queen, phân bón đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách và sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm dứa Queen cho người dân với điều kiện sản phẩm dứa quả phải đạt tiêu chuẩn và chất lượng xuất khẩu. Đối với sản phẩm dứa là giống địa phương, Công ty Đồng Giao cũng cam kết thu mua nếu sản phẩm được người dân trồng, chăm sóc và thu hoạch đúng quy trình. Công ty cũng sẽ cho người dân ứng trước một số vật tư nông nghiệp như bạt phủ ni-lon, đồng thời người dân còn được dự các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dứa trong suốt thời gian tham gia dự án.
Trên cơ sở những cam kết giữa nông dân với doanh nghiệp, sẽ tiến tới hình thành và thành lập các tổ nhóm hợp tác trồng dứa nguyên liệu. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang có nhiều cơ chế, chính sách nhằm xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản xuất, trong đó hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông và doanh nghiệp thì việc Công ty Đồng Giao triển khai dự án trồng dứa nguyên liệu tại huyện miền núi Đakrông hứa hẹn mở ra một hướng đi mới cho hàng ngàn hộ dân người đồng bào Pa Kô, Vân Kiều tại địa phương này. Tuy chặng đường dài vẫn còn ở phía trước, nhưng tin tưởng rằng với những dự định mà dự án mang lại, triển vọng về một vùng nguyên liệu trồng dứa phục vụ nhu cầu xuất khẩu sẽ không còn xa.
Công Điền
|