Tuy nhiên, trong thời gian qua, do một số cơ chế chính sách tại hai Khu Kinh tế tiếp giáp này chưa ổn định, có nhiều thay đổi nên đã làm cho hai Khu Kinh tế thiếu tính hấp dẫn, giảm dần sức cạnh tranh. Vì vậy, việc hợp tác nghiên cứu, xây dựng, phát triển Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đen-sa-vẳn thành một không gian kinh tế ổn định, hấp dẫn, có tính lâu dài, làm động lực phát triển cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Lào nói chung và tỉnh Quảng Trị - Sa-vẳn-na-khẹt nói riêng trong bối cảnh hiện nay theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị hai nước là hết sức cần thiết. Nội dung này đã được Trung ương, Chính phủ ghi nhận và giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan Thường trực phân ban trong Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Lào chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan nghiên cứu Đề án phát triển Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) – Đen-sa-vẳn (Lào).
Để thực hiện nhiệm vụ này, từ ngày 14 – 17/11/2019, Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có chương trình làm việc với tỉnh Quảng Trị để lấy ý kiến đóng góp vào Đề cương nghiên cứu cũng như tìm hiểu, cung cấp thêm một số thông tin, tài liệu liên quan để triển khai xây dựng Đề án Khu Kinh tế thương mại xuyên biến giới chung Lao Bảo – Đen-sa-vẳn. Các nội dung làm việc sẽ tập trung nghiên cứu một cách tổng thể các yếu tố, điều kiện phát triển và tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả các nguồn tiềm năng chưa khai thác của khu vực để hình thành Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo – Đen-sa-vẳn. Việc nghiên cứu xây dựng khu hợp tác kinh tế này sẽ đạt được các mục tiêu quan trọng: Thứ nhất, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Quảng Trị và Sa-vẳn-na-khẹt nói riêng, Việt Nam và Lào nói chung; thứ hai, góp phần tăng cường kết nối kinh tế, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào; thứ ba, thí điểm mô hình, chính sách xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới để tham khảo, hoàn thiện và phát triển mô hình này tại các địa phương biên giới của Việt Nam. Thanh Lan