Triển khai nhiều giải pháp giảm tử vong do COVID-19 

(Chinhphu.vn) - Kiểm soát ca mắc, tăng cường năng lực điều trị, sử dụng thuốc sớm, trong đó có nhiều thuốc mới, thuốc kháng thể đa dòng, đồng thời phải đảm bảo oxy cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3 - đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng của hệ thống khám chữa bệnh trong điều trị bệnh nhân COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.

 

Các cơ sở y tế phải thực hiện việc phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tếẢnh minh họa

6% ca mắc COVID-19 là bệnh nhân nặng

Tại hội thảo khoa học "Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp giảm tử vong do COVID-19" được Bộ Y tế tổ chức ngày 29/12, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong số ca mắc COVID-19 ghi nhận ở nước ta có 6% là bệnh nhân nặng, 8,3% ở mức trung bình, tỉ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng là 85,7%.

Báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh tính đến ngày 28/12 cũng cho thấy, các địa phương có số ca mắc cao đang điều trị, gồm TPHCM (51.726), Bình Dương (42.159), Đồng Nai (41.147), Hà Nội (20.165), Cà Mau (16.061), Cần Thơ (15.157), Khánh Hòa (12.859), Trà Vinh (11.922), Đồng Tháp (10.936), Tây Ninh (10.584).

Các địa phương đang có số ca COVID-19 nặng ở mức cao, gồm Đồng Nai (3.246), TPHCM (2.315), Cần Thơ (420), Long An (416), An Giang (399), Bình Dương (361), Bến Tre (336), Vĩnh Long (324), Hà Nội (315), Đồng Tháp (277) ca.

Theo thống kê, 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất cả nước là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Qua phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy, tỉ lệ người trên 65 tuổi có bệnh nền chiếm 47,67%, người từ 50-56 tuổi có tỉ lệ 36,58%, người 18-49 tuổi là 15,34%, nhóm từ 0- 17 tuổi là 0,42%.

"Các con số trên cho thấy, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nhóm người từ 50 tuổi trở lên chiếm 84%. Vì vậy, việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ này là rất cần thiết", ông Lương Ngọc Khuê khẳng định.

Phải đẩy mạnh tiêm chủng và phân loại bệnh nhân ngay từ khi nhập viện

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện nay số ca mắc COVID-19 tại một số địa phương gia tăng, nhiều trường hợp phát hiện qua sàng lọc khi đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Vì vậy, việc giám sát vùng nguy cơ cao để đảm bảo phát hiện sớm các ca mắc là rất cần thiết, từ đó cách ly, điều trị và có giải pháp xử trí phù hợp, góp phần hạn chế trường hợp tử vong.

"Kiểm soát ca mắc, tăng cường năng lực điều trị, sử dụng thuốc sớm, trong đó có nhiều thuốc mới, thuốc kháng thể đa dòng, đồng thời phải đảm bảo oxy cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3 là những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong điều trị bệnh nhân COVID-19”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng, các đơn vị phải thực hiện việc phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Cụ thể, trạm y tế cần lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân loại theo các nhóm nguy cơ để quản lý. Các cơ sở thu dung, điều trị cần phân loại nguy cơ người bệnh COVID-19 ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh nhân để phân luồng người bệnh vào các khoa, buồng phù hợp, thuận tiện cho việc theo dõi chăm sóc, điều trị và xử trí.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đặc biệt lưu ý các cơ sở điều trị, cũng như hệ thống theo dõi sức khoẻ người bệnh ban đầu, cần theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Đồng thời, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến điều trị, tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi đã quá muộn. 

Trong phân loại người bệnh, các đơn vị cần tập trung vào nhóm người có nguy cơ cao (những người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine) để giám sát chặt chẽ, điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, người bệnh COVID-19 đã bình phục, cán bộ y tế đã về hưu… cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Đặc biệt, các địa phương phải đẩy mạnh tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng này.

Hiền Minh

278 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1104
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1105
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226285