|
Ảnh minh họa (Nguồn: B.T) |
Nhiều kết quả nổi bật
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2021, công tác cải cách hành chính của Bộ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021, Bộ đã hoàn thành 36/36 nhiệm vụ, đạt 100%; hoàn thành 92/93 sản phẩm, hoạt động, đạt 98,9%.
Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã rà soát 443 văn bản thuộc lĩnh vực NN&PTNT; đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế 96 văn bản, trong đó có 62 văn bản do Bộ chủ trì xây dựng. Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ gồm 404 văn bản.
Bên cạnh đó, Bộ đã thẩm định quy định thủ tục hành chính đối với 5 dự thảo Thông tư; công bố, công khai thủ tục hành chính đối với 10 Quyết định. Cập nhật, công khai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 119 thủ tục hành chính; công bố bãi bỏ 58 thủ tục hành chính. Đồng thời, đã ban hành danh mục thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực NN&PTNT; rà soát, đơn giản hóa 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
Đáng chú ý, trong năm 2021, Bộ NN&PTNT đã thực hiện cập nhật trên phần mềm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ với 159 quy định về thủ tục hành chính, 17 quy định về chế độ báo cáo, 423 quy định về yêu cầu điều kiện, 227 quy định về tiêu chuẩn quy chuẩn, 1.768 quy định về kiểm tra chuyên ngành. Rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với 429/2.559 quy định; cắt giảm 13,2% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ với số tiền tiết kiệm gần 219 tỷ đồng.
Đặc biệt, về lĩnh vực hiện đại hóa hành chính, Bộ đã triển khai xây dựng, hoàn thiện Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ phiên bản 2.0 theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Thực hiện nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của Bộ theo hướng kết hợp giữa mô hình tập trung và mô hình phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây nhằm tối ưu hóa hạ tầng công nghệ thông tin. Tăng cường khả năng bảo mật, sao lưu, dự phòng chống thảm họa, bảo đảm vận hành ổn định, an toàn thông tin của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Đồng thời, hoàn thiện, tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử đến năm 2025.
Trong năm 2021, 100% văn bản điện tử phát hành nội bộ của các đơn vị thuộc Bộ và các văn bản phát hành của Bộ đã được ký số và thực hiện gửi, nhận trên phần mềm Văn phòng điện tử và trục liên thông văn bản quốc gia. 100% văn bản đến của Bộ đã được cập nhật, xử lý, lưu trữ trên hệ thống phần mềm Văn phòng điện tử dùng chung của Bộ phục vụ khai thác, sử dụng.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ và phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và các văn bản có liên quan; Bộ đã tích hợp thành công hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia - KeyPay vào quy trình thanh toán trực tuyến cho các đơn vị xử lý nghiệp vụ. Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã triển khai xây dựng tổng số 26 dịch vụ công mức độ 3,4; tích hợp, kết nối thí điểm thành công Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia và đang được tiếp tục hoàn thiện để tích hợp, kết nối đầy đủ.
Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, Bộ NN&PTNT đã thực hiện triển khai kết nối 29/33 thủ tục hành chính tại 7 đơn vị thuộc Bộ. Đến nay, đã cấp phép điện tử tổng số hơn 1.400.000 hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Dự kiến trong quý I/2022 sẽ hoàn thành kết nối 100% các thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia theo chỉ đạo của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN (Ủy ban 1899).
Tăng cường khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ công trực tuyến
Bước sang năm 2022, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, Bộ NN&PTNT cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ và Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT về đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ, của Bộ giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, Bộ sẽ chủ động tăng cường giám sát, kiểm tra, gắn vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác cải cách hành chính tại đơn vị. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác cải cách hành chính trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, trong năm 2022, sẽ tăng cường khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và công bố kết quả sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ công trực tuyến do Bộ NN&PTNT cung cấp. Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ Cơ chế một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN của Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo chỉ đạo của Uỷ ban 1899.
Về cải cách thể chế, Bộ tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước lĩnh vực NN&PTNT; nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; kịp thời rà soát, phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật. Đồng thời, tập trung theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như: quản lý thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, xử lý vi phạm hành chính...
Song song với đó, toàn ngành sẽ tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng; số hóa kết quả thủ tục hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận một cửa để cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số; xây dựng các chính sách, quy định pháp lý về lĩnh vực nông nghiệp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số; xây dựng, triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030,.../.