Triển khai Hiệp định thương mại, “không quên” siết chặt gian lận xuất xứ 

(Chinhphu.vn) – Trong năm 2020, Bộ Công Thương tập trung vào 2 trọng tâm lớn là hoàn tất các công việc có liên quan để sớm phê chuẩn và đưa vào thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chủ động triển khai có hiệu quả các FTA đã ký kết. Đặc biệt, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc sẽ tập trung xử lý các vấn đề về chống lẩn tránh, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

 

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP.

Đây là nội dung Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương sáng 30/12.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, bước sang năm 2020, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội mới, đặc biệt là cơ sở nền tảng quan trọng của sự ổn định và đà phát triển kinh tế trong nước, tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng, trong đó thực thi nhiều cam kết kinh tế quốc tế mới, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Thế nhưng, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức mới, đặc biệt là tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh và khó đoán định. Dư địa các động lực tăng trưởng truyền thống dần bị thu hẹp...

Trên cơ sở đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện của năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2020 Bộ Công Thương tiếp tục tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm lớn trong công tác hội nhập gồm:

Khẩn trương hoàn tất các công việc có liên quan để sớm phê chuẩn và đưa vào thực hiện Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU sau khi đã được ký kết vào ngày 30/6/2019.

Chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Trong đó, nhấn mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các FTA này tới các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

“Việc đưa EVFTA sớm đưa vào thực hiện sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác”, Bộ trưởng nêu mong muốn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng không quên nhấn mạnh vào việc tập trung xử lý tốt các vấn đề về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

Đối với công tác chống gian lận thương mại, Bộ trưởng cho biết, trong năm 2019, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (Theo Quyết định số 824/QĐ-TTg) để tạo khuôn khổ đồng bộ, tổng thể cho các hoạt động ngăn ngừa, phòng chống, phát hiện và xử lý các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ. Trong Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành và địa phương để tổ chức triển khai thực hiện.

“Đây là Quyết định quan trọng, thể hiện quan điểm rõ ràng và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Nói về các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: “Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được xác định với yêu cầu rất cao, so với nền tảng đã đạt được ở mức cao của năm 2019, và là thách thức lớn đối với các Bộ ngành, địa phương”.

Do vậy, Bộ Công Thương sẽ bám sát kịch bản tăng trưởng chung của Chính phủ để xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực và bám sát để điều hành, điều chỉnh kịp thời, bảo đảm phù hợp với những diễn biến trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước.

Một số nhiệm vụ khác được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc tới như: Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo; tập trung cao các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực năng lượng, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu cho phát triển của nền kinh tế; đồng bộ trong phối hợp chính sách giữa các Bộ ngành và tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương…

PT

437 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1370
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1370
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87097534