Yêu cầu mới đối với quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Đảng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Phải đóng góp hiệu quả hơn vào mục tiêu bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bảo vệ an ninh Tổ quốc là bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ cuộc số yên bình, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta, điều kiện này còn quan trọng hơn nữa. Nếu không bảo vệ được hòa bình, an ninh, ổn định, dù chỉ trong một thời gian ngắn, thì các nỗ lực vươn mình sẽ bị gián đoạn.
Phải đóng góp hiệu quả hơn vào mục tiêu phát triển của đất nước
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, 2045 đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, về tăng trưởng, đất nước buộc phải đạt tốc độ tăng GDP bình quân 7%/năm liên tục trong 20 năm. Và để đạt được mục tiêu đó, phải tranh thủ được các nguồn lực từ bên ngoài, trước hết là công nghệ cao, thị trường xuất khẩu và vốn chất lượng cao. Theo đó, cần phải tạo dựng và củng cố một mạng lưới bạn bè, đối tác rộng lớn, bền vững, nhất là các đối tác có tiềm năng về công nghệ và thị trường, có lợi ích trùng hợp cơ bản và lâu dài trong quá trình Việt Nam vươn lên thành nước phát triển. Đồng thời, phải đóng góp tích cực vào quá trình chuyền đổi ở trong nước, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, để nâng cao mức độ và chất lượng tăng trưởng.
Phải nâng cao và củng cố vị thế quốc tế
Đất nước càng phát triển thì vị thế quốc tế càng quan trọng. Để gia tăng vị thế trong kỳ nguyên vươn mình của dân tộc, đối ngoại cần có cách tiếp cận mới trong việc thực hiện định hướng “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, chủ động, tích cực, có trách nhiệm hơn trong các công việc chung của khu vực và quốc tế, sẵn sàng đóng góp nguồn lực, kể cả nhân lực là tài lực cho các công việc này.
Bối cảnh thế giới và khu vực đến năm 2030
Thế giới chuyển dần sang cục diện đa cực với cấu trúc lưỡng siêu, đa cường. Lưỡng siêu là Mỹ và Trung Quốc, đa cường là các nước Ấn Độ, Đức, Nhật Bản, EU, Nga… Khoảng cách về sức mạnh giữa hai siêu cường và các cường quốc ngày càng lớn. Nhiều dự báo cho rằng, từ nay đến năm 2030, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng khoảng 5%, Mỹ khoảng 2%, chậm nhất đến năm 2035, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt kinh tế Mỹ. Các dự báo khác cho rằng, khoảng năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP và chiếm khoảng 1/4 GDP toàn thế giới nhưng cần vài thập niên nữa để đuổi kịp Mỹ về GDP đầu người. Tính theo giá thị trường, GDP của Mỹ và Trung Quốc khi đó sẽ lớn gấp khoảng 3 lần GDP của nước lớn thứ ba. Về quân sự, đến năm 2030, ngân sách quân sự của Trung Quốc vào khoảng 550 tỷ USD, của Mỹ sẽ sớm vượt 1.000 tỷ USD, Ấn Độ là khoảng 183 tỷ USD, Nga là khoảng 123 tỷ USD. Và nếu coi mạng lưới đồng minh, mạng lưới căn cứ quân sự là một phần của sức mạnh thì Mỹ được cho là đang ở thế vượt trội so với Trung Quốc, Nga và các nước lớn khác. Về sức mạnh mềm, đến năm 2030, Mỹ được dự báo vẫn là quốc gia có sức hút mạnh nhất bởi các ý tưởng mới về lý thuyết phát triển, hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học, mạng lưới truyền thông. Trung Quốc và các nước khác đang và sẽ đầu tư lớn để gia tăng sức mạnh mềm nhưng khó có thể bắt kịp Mỹ.
Về quan hệ giữa các nước lớn, đến năm 2030, Mỹ - Trung Quốc vẫn là cặp quan hệ nổi trội, chi phối các mối quan hệ khác. Quan hệ Mỹ - Nga, EU - Nga sẽ tiếp tục căng thẳng; Trung Quốc - Nga hợp tác chặt chẽ trong nhiều vấn đề; Trung Quốc – EU thì tùy theo vấn đề, tùy theo thời điểm mà hợp tác hay cạnh tranh sẽ nổi hơn. Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc chiến tranh thương mại, công nghệ với Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc sẽ nỗ lực giảm phụ thuộc vào Mỹ, đầu tư lớn cho phát triển công nghệ.
Cách mạng khoa học công nghệ phát triển với tốc độ ngày càng nhanh với sự xuất hiện của nhiều công nghệ đột phá. Nhiều viện nghiên dự báo sự phát triển có tính đột phá của hơn 10 loại công nghệ như: internet vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ robot, xe tự hành, công nghệ sinh học, pin nhiên liệu, in 3D, công nghệ vật liệu mới…, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).
Cùng với các tiến bộ khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Trong quan hệ quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi tương quan sức mạnh giữa các nước, nhất là các nước lớn, gia tăng mức độ cạnh tranh, chạy đua giữa các nước, gia tăng phân hóa giữa các nước giàu và nghèo. Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với cạnh tranh địa - chính trị giữa Mỹ - Trung Quốc và Mỹ, phương Tây - Trung Quốc, Nga, làm gia tăng xu thế phân mảng, chia rẽ, nhất là chia rẽ số giữa các nước, các nhóm nước.
Toàn cầu hóa vẫn tiếp diễn với những điểm khác các giai đoạn trước về tốc độ, phương cách và lĩnh vực.
Quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng bị thách thức nghiêm trọng hơn bởi chính trị cường quyền. Các nước vừa và nhỏ sẽ chịu sức ép “kéo” và “đẩy” mạnh hơn từ các nước lớn, nhất là trong các vấn đề các nước lớn có nhu cầu tập hợp lực lượng để cạnh tranh, đối đầu với nhau. Tiến bộ khoa học công nghệ và các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi vị trí, vai trò của các nước vừa và nhỏ trong quan hệ quốc tế, kể cả trong quan hệ với các nước lớn.
Biến động dân số và lực lượng lao động làm thay đổi vị trí, vài trò các nước các khu vực. Đến năm 2030, Nam Á (gồm cả Ấn Độ) sẽ dẫn đầu về số dân, thứ hai là Châu Phi, tiếp đến là Đông Á (gồm cả Trung Quốc), rồi đến Đông Nam Á. Châu Âu sẽ rời xuống thứ sáu; Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Châu Á khác (trừ Nhật Bản) sẽ là thị trường chiếm ½ sức mua toàn cầu; người tiêu dùng trung lưu ở các thị trường mới nổi sẽ đông gấp năm lần so với ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Già hóa và suy giảm dân số, suy giảm lực lượng lao động tác động tiêu cực tới tăng trưởng của nhiều nước. Trong khi Trung Quốc, Nga và tất cả các nước công nghiệp phát triển (OECD) đều bị tác động bởi già hóa, suy giảm dân số thì Mỹ là một ngoại lệ.
Hòa bình, hợp tác và phát triển gặp phải nhiều thách thức hơn trước nhưng vẫn là xu thế lớn. Hòa bình chỉ nên hiểu là không có chiến tranh giữa các nước lớn, còn chiến tranh, xung đột vũ trang thì khó có thể ngừng. Các cuộc xung đột hiện nay giữa các nước nhỏ hay giữa nước lớn và nước nhỏ ít khả năng sớm chấm dứt. Một số xung đột mới có thể nổ ra. Nhưng rất ít khả năng các xung đột đó lan rộng hoặc leo thang tới mức xảy ra chiến tranh giữa các nước lớn, chiến tranh thế giới. Cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine… làm gia tăng xu thế tăng cường vũ trang, thậm chí chạy đua vũ trang ở một số nước, nhóm nước. Phát triển xanh, sạch, bền vững sẽ trở thành xu thế nổi trội do nhu cầu tự thân của các nước (trước nguy cơ từ biến đổi khí hậu) và sự áp đặt của các nước phát triển, nhất là các nước EU, thông qua những tiêu chuẩn về thương mại liên quan đến bảo vệ môi trường.
Hệ thống các thể chế đa phương hiện hành đứng trước nhiều thách thức, các tổ chức, cơ chế mới sẽ ra đời. Do mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các nước lớn và do nhân loại đứng trước các thách thức mới từ sự phát triển của khoa học công nghệ và của biển đổi khí hậu, các thể chế đa phương hiện tại sẽ tiếp tục thay đổi và xuất hiện các thể chế, cơ chế mới. Các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, nhất là Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đứng trước sức ép cải tổ ngày càng lớn, nhất là trước yêu cầu của Trung Quốc, Nga và các nước mới nổi. Các cơ chế đa phương theo nhóm như NATO, BRICS sẽ tiếp tục được củng cố. Nhiều khả năng, các cơ chế tương tự sẽ ra đời như hệ quả của xu thế phân tách, phân tuyến trong quan hệ giữa các nước lớn.
Khu vực Ấn Độ - Châu Á - Thái Bình Dương (Ấn-Ấ-Thái viết tắt tiếng Anh là IAP) tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Theo một số dự báo, đến năm 2030, IAP - nơi có nền kinh tế lớn thứ nhất (Trung Quốc), lớn thứ ba (Ấn Độ) và lớn thứ tư (Nhật Bản) thế giới - sẽ chiếm 52,5% GDP toàn cầu. IAP tiếp tục là sân khấu chính của cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Các điểm nóng tiềm tàng ở khu vực tiếp tục tồn tại nhưng ít khả năng bùng nổ thành chiến tranh lớn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là các bên liên quan chính đến các điểm nóng tiềm tàng ở khu vực đều có khả năng gây tổn hại đáng kể đến tính toán và chiến lược lớn của đối phương.
ASEAN có những khó khăn trong quá trình xây dựng Cộng đồng nhưng tiếp tục được các nước lớn quan tâm. Biển Đông vẫn tiềm ẩn bất ổn, thậm chí xung đột cục bộ, các nước ASEAN tiếp tục chịu sức ép (kéo và đẩy) từ các nước lớn và các tập hợp lực lượng của họ. Năm 2030, dự báo ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, một Cộng đồng thành công nhất trong các liên kết khu vực của các nước đang phát triển.
Cơ hội và thách thức đối với quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Đảng
Cơ hội lớn nhất là từ quá trình đổi mới toàn diện ở trong nước. “Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”. Đây là nguồn lực, là động lực mạnh mẽ cho quá trình triển khai đường lối đối ngoại.
- Cơ hội lớn cũng đến từ quá trình hội nhập toàn diện, sâu rộng của đất nước vào khu vực và thế giới. Quyết tâm nâng cao hiệu quả các hoạt động hội nhập, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế, cụ thể là các cam kết với 17 FTA, với COP21 về mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050… tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của đất nước ta trong dòng chảy phát triển cùng nhân loại.
- Quá trình vươn mình của dân tộc cũng là quá trình gia tăng quốc lực tổng hợp, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định hơn, bền vững hơn và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Thách thức
- Thách thức lớn nhất có thể đến từ chính quá trình vươn mình của dân tộc. Để vươn mình thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển trong 20 năm tới, bên cạnh nỗ lực vượt bậc, cần có sự hy sinh rất lớn của cả một thế hệ. Nếu vươn mình không thành công, nội bộ ta không đoàn kết, kinh tế không phát triển thì đối ngoại không thể có hiệu quả.
- Thách thức cũng đến từ xu hướng diễn biến phức tạp của môi trường quốc tế, nhất là xu hướng phân tuyến, phân tách giữa một bên là Trung Quốc, Nga và bên kia là Mỹ và Phương Tây. Nếu xu hướng này phát triển đến mức “cực đoan” thì sẽ rất khó cho ta trong triển khai đối ngoại, nhất là trong định hướng làm bạn với tất cả, đứng ngoài cạnh tranh nước lớn.
- Thách thức có thể đến từ những diễn biến bất lợi từ tình hình các nước láng giềng, từ tình hình Biển Đông.
- Thách thức còn đến từ ASEAN khi các vấn đề nội bộ trong ASEAN, nhất là vấn đề Myanmar, khó có thể được giải quyết trong tương lai gần.
- Cuối cùng là thách thức từ những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới. Các nỗ lực thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển có thể bị ảnh hưởng. Nhiệm vụ bảo đảm các nguồn cung chiến lược, nhất là công nghệ, vốn, nhân lực chất lượng cao và duy trì ổn định thị trường đầu ra cho sản phẩm Việt có thể sẽ khó khăn hơn trong các giai đoạn trước.
Tựu trung lại, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Đảng có nhiều cơ hội và thách thức. Có cơ hội, thách thức đến từ tình hình bên ngoài, cũng có cơ hội và thách thức đến từ chính quá trình vươn mình của dân tộc. Bên ngoài là quan trọng, bên trong là quyết định. Triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại là góp phần vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngược lại dân tộc vươn mình thành công lại tạo cơ sở vững chắc và động lực mạnh mẽ để đối ngoại thành công. Cùng với nỗ lực lớn, sự hy sinh lớn của cả dân tộc, đối ngoại cũng cần nỗ lực vượt bậc, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển của đất nước./. Lê Liên (TH, nguồn Ban TGTW)