Triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn 

(ĐCSVN) - Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã từng bước được kiểm soát, đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng,…

 

 Quang cảnh buổi Đối thoại trực tuyến. (Ảnh: BT)

Đó là những thông tin được đưa ra tại buổi Đối thoại trực tuyến “Phát triển ngành chăn nuôi: Từ góc nhìn chống dịch tả lợn châu Phi “ do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức diễn ra chiều 26/11, tại Hà Nội.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, tính đến ngày 25/11, DTLCP đã xảy ra tại 8.533 xã của 166 huyện/ 63 tỉnh, thành phố; tiêu hủy 5,9 triệu con lợn. Đến thời điểm hiện nay, 4.823 xã DTLCP đã qua 30 ngày.

Về cơ bản, DTLCP đã được kiểm soát tốt. Trong 25 ngày tháng 11 vừa qua, chỉ có 134 nghìn con lợn chết và tiêu hủy, so với các tháng cao điểm đã giảm đi nhiều.

Theo ông Dương, DTLCP gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn, trong đó, người chăn nuôi chịu nhiều thiệt hại, ngân sách nhà nước chi hỗ trợ người chăn nuôi rất lớn.

Về tình hình biến động giá lợn trong thời gian qua, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, ứng phó với DTLCP, Bộ Công Thương vừa chủ động, vừa chỉ đạo các Sở Công Thương của 63 tỉnh, thành phố trong công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo cung, cầu thị trường. Với hiện tượng giá lợn hiện nay ở một số nơi được phản ánh giá rất cao, ông Tuấn cho rằng, trên góc độ thị trường, nơi nào nguồn cung thiếu, giá cả sẽ tăng cục bộ.

Là một trong những địa phương có thế mạnh về chăn nuôi lợn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Phạm Huy Đăng thông tin: Trước khi xảy ra DTLCP, Hà Nội có 1,8 triệu con lợn. Đến nay, qua 10 tháng phòng chống DTLCP, hiện nay, còn có 249/449 xã có dịch, các xã có dịch tái phát là 196 xã. Trong thời gian tới, để tiếp tục phòng chống dịch, Hà Nội sẽ tăng cường vệ sinh tiêu độc, hướng dẫn các gia trại, doanh nghiệp làm tốt công tác an toàn sinh học. Với các hộ tái đàn, trong xã dịch phải qua 30 ngày.

Tại buổi Đối thoại trực tuyến, Quyền Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương cho biết, theo nhận định, nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu khoảng 200 nghìn tấn. Bằng nhiều biện pháp, sẽ không để người dân thiếu thịt lợn, nhưng đồng thời cần đảm bảo được lợi ích cho các bên, đặc biệt là doanh nghiệp, người chăn nuôi. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chủ trương chỉ đạo công tác tái đàn, và tái đàn cần có kiểm soát. Cách đây 3 tháng, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương vừa kiểm soát dịch bệnh vừa tái đàn. Một là, mở rộng quy mô đàn ở các cơ sở an toàn; hai là, với những cơ sở có dịch, sau 30 ngày hết dịch cần kiểm tra lại, đồng thời kiểm soát chặt chẽ công tác ra vào và đảm bảo nguồn giống sạch bệnh./.

 
BT
250 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1390
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1390
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87156125