|
Ảnh minh họa (Nguồn: B.T) |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong năm 2021, bình quân giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với năm 2020. Trong đó, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc, cụ thể: ngô hạt 7.7756 đ/kg (tăng 38%), khô dầu đậu tương 12.666 đ/kg (tăng 24,4%), DDGS (bã ngô) 8.713 đ/kg (tăng 38%), cám mì 6.860 đ/kg (tăng 32,6%), sắn lát 6.233 đ/kg (tăng 19,8%), cám gạo chiết ly 5.039 đ/kg (tăng 13,8%), bột cá 27.679 đ/kg (tăng 1,7%),...
Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trung bình năm 2021 cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60kg đến xuất chuồng 11.425 đ/kg (tăng 22%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 11.394 đ/kg (tăng 20%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 11.924 đ/kg (tăng 19,7%).
Theo Bộ NN&PTNT, việc tăng giá thức ăn thành phẩm là do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, trong đó, nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng như: sản lượng giảm, cước vận chuyển tăng tới 300%. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác như: Trung Quốc tăng mua nguyên liệu để khôi phục chăn nuôi trong nước, Mỹ tăng sản xuất xăng sinh học từ ngũ cốc…
Ước tính trong năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 21 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản), giá trị nhập khẩu 7,7 tỷ USD. Trong đó, nguyên liệu giàu năng lượng (ngô, lúa mỳ...) 12,9 triệu tấn; nguyên liệu giàu đạm (khô dầu các loại, nguyên liệu nguồn gốc động vật…) 7,5 triệu tấn; thức ăn bổ sung 650 nghìn tấn. So với năm 2020, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu năm 2021 tăng 7 % về khối lượng và tăng 32,7% về giá trị.
Để quản lý công tác thức ăn chăn nuôi trong năm 2022, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sẽ triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến về thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới. Đồng thời, có biện pháp chỉ đạo kịp thời để tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Trong đó, tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đồng hành với người chăn nuôi.
Cùng với đó, tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, để từng bước chủ động nguồn thức ăn cho chăn nuôi, ngành sẽ phối hợp với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp trong nước, quốc tế để nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển sản xuất thức ăn cho gia súc ăn cỏ; phối hợp với Cục Trồng trọt để xây dựng giải pháp phát triển vùng trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi,.../.
BT