Triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn tới 

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương cho biết, Chương trình khuyến công quốc gia sau 5 năm thực hiện đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn, với tỷ lệ số lao động qua đào tạo được bố trí việc làm đạt 98%; hỗ trợ 4.363 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước.

 

Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, Chương trình đã khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển sản xuất một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Chương trình đã hỗ trợ cho 630 cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; Tổ chức bình chọn, tôn vinh 610 sản phẩm cấp khu vực và 202 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường…

 

Với mục tiêu tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được khi triển khai chương trình, trong thời gian tới Bộ Công Thương tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:

 

Một là, tập trung hướng đến hỗ trợ đối tượng là các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất công nghiệp tại các khu vực nông thôn được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.

 

Hai là, tiếp tục tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả của chương trình như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Ba là, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản về khuyến công, ưu tiên hỗ trợ các địa bàn huyện nghèo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới trong chính sách khuyến công.

 

Bốn là, triển khai các hoạt động khuyến công đồng bộ với các chương trình hỗ trợ về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Năm là, thông qua cơ quan đại diện tại nước ngoài, thiết lập và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, đơn vị ở nước ngoài và đối tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp địa phương nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của các đối tác để phát triển các hoạt động khuyến công.

 

KC

270 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1112
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1112
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87194275