|
Anh Phạm Thành Công chỉ đạo phương án thi công khấu vượt phay lò chợ cơ giới hóa - Ảnh: NVCC
|
Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Trong số hàng nghìn sáng kiến được tôn vinh, có nhiều sáng kiến đến từ sự thôi thúc sẻ chia, từ sự đau đáu tìm tòi để mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Sáng kiến từ trái tim
Hằng ngày chứng kiến tình trạng choáng, ngất liên tục xảy ra do sốc nhiệt của đồng nghiệp tại các bệnh viện (BV) nơi tuyến đầu chống dịch, Thượng úy Lê Thị Hòa và Đại úy Phạm Thị Hòa - cán bộ Khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) trăn trở rất nhiều và không ngừng suy nghĩ làm thế nào để có thể giảm bớt nhiệt độ cơ thể của nhân viên y tế khi khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ. Sau một thời gian nghiên cứu cộng với sự thôi thúc từ trái tim, hai chị đã sáng tạo ra sản phẩm “Áo chống sốc nhiệt”.
Thượng úy Lê Thị Hòa chia sẻ: “Áo chống sốc nhiệt của chúng tôi được mặc bên trong áo bảo hộ nên không làm ảnh hưởng tới tác dụng của áo bảo hộ. Khi mặc áo chống sốc nhiệt, nhiệt độ cơ thể sẽ được giảm từ 5 - 7 độ C so với khi chưa mặc vì thế giảm thiểu được việc sốc nhiệt. Áo cũng được làm từ chất liệu có sẵn, dễ kiếm, dễ tìm, giá thành lại rẻ”.
Mô tả cụ thể về sản phẩm, Thượng úy Hòa cho biết áo sử dụng vải cotton lưới thấm hút mồ hôi và dễ khuếch tán nhiệt; xốp cách nhiệt 2 mặt gập hình chữ L nhằm cách nhiệt đá lạnh với thân người; túi đá khô dạng gel để tạo ra không khí mát trong không gian áo bảo hộ; miếng lót bằng bông siêu thấm nước nhằm hút hết nước lạnh ngưng tụ tại túi áo…
Xưởng may “dã chiến” biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế đã được thành lập ngay trong đêm 2/6/2021. Đế nay, hàng nghìn bộ áo đã được gửi đến các nhân viên y tế làm việc tại các BV tuyến đầu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội…
Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là chúng tôi vừa phải đảm bảo tốt công việc chính của mình vừa tranh thủ sản xuất áo, chúng tôi lại không có cơ sở vật chất chuyên dụng cũng như không có chuyên môn kỹ thuật về may mặc.
Nói về động lực thúc đẩy để hăng say nghiên cứu, sản xuất và liên tục cải tiến sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn, Thượng úy Lê Thị Hòa chia sẻ: “Khi đại dịch diễn ra trên diện rộng, chứng kiến sự làm việc không mệt mỏi, không kể thời gian, mưa nắng của nhân viên y tế tại các vùng tâm dịch, ai cũng vừa cảm phục vừa xót xa. Không riêng gì chúng tôi, tất cả mọi người ai ai cũng muốn góp một phần công sức nhỏ bé mong sao có thể giảm bớt một phần vất vả, một phần khó nhọc mà nhân viên y tế đang phải gồng mình chống đỡ. Món quà nhỏ bé nhưng là cả tấm lòng của chúng tôi gửi đến những đồng nghiệp chiến sĩ áo trắng ngày đêm chống dịch”.
Hàng chục tỉ đồng từ sáng kiến
Từ thực trạng điều kiện địa chất khu vực phức tạp, quá trình khai thác gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ, năng suất, sản lượng khai thác, anh Phạm Thành Công, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công nghệ mỏ, Công ty CP Than Hà Lầm (TKV) đã ngày đêm trăn trở để tìm ra phương án khai thác tối ưu.
Từ đầu năm 2020, lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 vỉa 7 gặp phải tình trạng đứt gãy địa chất. Lò chợ phải khoan nổ mìn, cắt đá nên tiến độ chậm, sản lượng thấp, tốn nhiều chi phí cắt đá và hao tổn sức lực của người thợ nên sản lượng chỉ đạt trung bình 40.000-45.000 tấn/tháng, trong khi kế hoạch là 70.000 tấn/tháng, sản lượng dự kiến hết năm chỉ đạt 738.000 tấn. Theo tài liệu địa chất dự kiến phía trước lò chợ, nếu khấu lò chợ theo tuyến lò thông gió hiện tại, lò chợ sẽ cắt đá đến hết diện sản xuất và sẽ không hoàn thành sản lượng theo kế hoạch TKV giao.
Trước những thách thức lớn của người thợ mỏ, được lãnh đạo Công ty tin tưởng giao phó nhiệm vụ, anh Phạm Thành Công đã chủ động phối hợp với các phòng ban, công trường thường xuyên kiểm tra thực tế lò chợ, đánh giá bằng các phương pháp khoan thăm dò vỉa bổ sung trong lò để làm rõ tài liệu địa chất. Từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với lò chợ công nghệ cơ giới hóa.
Với sáng kiến “Nghiên cứu, chỉ đạo lập biện pháp và chỉ đạo thi công khấu vượt phay lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 vỉa 7 công suất 1,2 triệu tấn/năm đảm bảo an toàn, hoàn thành kế hoạch sản lượng TKV giao”, anh Phạm Thành Công đã làm lợi cho Công ty hơn 33,6 tỉ đồng.
Sáng kiến này đã được lãnh đạo Công ty đánh giá cao về tính thực tiễn, đặc biệt có thể áp dụng đối với các lò chợ cơ giới hóa trong Công ty cũng như trong Tập đoàn khi lò chợ gặp phay phá, cắt đá. Đây cũng là giải pháp lần đầu áp dụng để khấu lò chợ cơ giới hóa khống chế độ dốc theo phương.
Đến hết năm 2020, sau khi thực hiện sáng kiến, sản lượng than tăng dần, kết thúc năm 2020, tăng 120.000 tấn so với dự kiến, làm lợi hơn 33,6 tỷ đồng. Bước sang năm 2021, sản lượng than đạt trung bình 65.000-70.000 tấn/tháng, góp phần hoàn thành kế hoạch sản lượng than TKV giao cho Công ty năm 2021 là 2,35 triệu tấn.
|
Kỹ sư trẻ Dương Văn Hùng (Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên) luôn quyết tâm tìm tòi những phương án đem lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất - Ảnh: NVCC |
Cũng từ sáng kiến đơn giản, hiệu quả, kỹ sư trẻ Dương Văn Hùng (Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên) đã làm lợi hàng năm cho Công ty khoảng 30 tỷ đồng. Anh Dương Văn Hùng kể: “Đầu năm 2021, nhà máy tiếp nhận một dòng sản phẩm chiến lược mới (điện thoại gập). Trong quá trình sản xuất, tôi nhận thấy thời gian tháo lắp sản phẩm gấp 3 lần sản phẩm cũ. Bên cạnh đó, xuất hiện các lỗi gây bẩn và xước trong công đoạn tạo màu và độ cứng cho bề mặt khung điện thoại. Ngay sau đó, tôi và anh em nghiên cứu và tìm ra hướng giải quyết đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả”.
Mỗi khi tiếp nhận dòng sản phẩm mới, anh Dương Văn Hùng đều dành thời gian nghiên cứu và tìm cách tối ưu hóa các công đoạn một cách nhanh nhất có thể. Ngay khi nhận thấy vấn đề của sản phẩm mới, anh Hùng và đồng đội đã lập tức nghiên cứu và nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết bằng cách tận dụng khay nhựa có sẵn, kết hợp với khung inox để thay thế khay công cụ bằng kim loại. Hiệu quả có thể thấy rõ khi nhờ cải tiến này mà thời gian thao tác tháo lắp sản phẩm đã giảm 14 lần và tình trạng bẩn và xước gần như được loại bỏ. Đáng chú ý, cải tiến này còn có thể áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm khác.
Có thể nói, cải tiến sản xuất là một trong số những hoạt động được đặc biệt chú trọng, Samsung luôn khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động cải tiến bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các cuộc thi nội bộ về cải tiến thường niên, trao tặng giải thưởng cho các ý tưởng hay, tạo điều kiện đưa nhân viên sang Hàn Quốc dự thi cuộc thi cải tiến… Hằng năm có hàng chục nghìn sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, mang lại nhiều đóng góp hữu ích cho Công ty.
Đây cũng chính là “mảnh vườn ươm” để “cây sáng kiến” Dương Văn Hùng được ghi nhận 50 ý tưởng cải tiến lớn nhỏ từ năm 2018-2020.
Thu Cúc