Diễn đàn khoa học “Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước” . (Ảnh: Bích Liên)

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức diễn đàn khoa học “Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước”.

Diễn đàn nhằm thống nhất về mặt lý luận, quan điểm về trí thức, đội ngũ trí thức ở Việt Nam trong bối cảnh mới; đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể để phát triển đội ngũ trí thức ở Việt Nam; phục vụ trực tiếp cho việc tư vấn chính sách, soạn thảo Đề án phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2021- 2030…

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho biết: Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhấn mạnh: “Bằng các hoạt động sáng tạo, trí thức nước ta đã có những đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết cũng xác định rõ: “Đến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới”.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng khẳng định, các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong những năm vừa qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của đội ngũ trí thức, để giới trí thức có thể đóng góp tốt hơn cho quá trình đổi mới, phát triển đất nước. Thực tế hiện nay, đội ngũ trí thức Việt Nam đang tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng, với tính năng động, sáng tạo ngày càng thể hiện rõ trong sự phát triển đi lên của đất nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế. Việt Nam đang thiếu các nhà lãnh đạo quản lý tầm cỡ, các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học thực sự tâm huyết với nghề, các công chức trong bộ máy chính quyền, các cấp tinh thông nghề nghiệp và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về đạo đức công vụ. Cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm... Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài của Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Từ sự phân tích trên, tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề lớn về nội hàm, khái niệm trí thức; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong phát triển đội ngũ trí thức; những thành công bước đầu cũng như những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương; các cơ hội và thách thức đặt ra trong phát triển đội ngũ trí thức thời gian tới; đội ngũ trí thức và vấn đề hội nhập quốc tế; việc phát huy vai trò của lực lượng trí thức khoa học, công nghệ Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0.

Đồng thời, nhiều đại biểu đã chia sẻ thông tin, thảo luận và thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội nhằm góp phần bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, dự án phát triển của đất nước; tập trung trao đổi ý kiến về chế độ đãi ngộ, trọng dụng, những khó khăn, thách thức trong phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam, đề xuất các kiến nghị, giải pháp để khắc phục khó khăn nhằm phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030./.

 
Bích Liên