Cục Hải quan Quảng Trị nêu, việc xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính theo giá tờ khai NK quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định hiện hành này chưa có hướng dẫn về nguyên tắc, cách thức áp giá của tờ khai NK đối với việc lấy tờ khai trên cơ sở dữ liệu giá của cơ quan Hải quan để làm căn cứ xác định trị giá tang vật vi phạm trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai đến ngày có hành vi vi phạm, hoặc đến ngày ra quyết định xử lý.
"Nếu xác định lấy dữ liệu giá tờ khai NK trong khoảng thời hạn nhất định thì việc xác định trị gia tang vật sẽ áp dụng đối với mức giá khai báo thấp nhất hay cao nhất? Quy định xác định giá sẽ thực hiện với việc áp dụng tờ khai của mặt hàng giống hệt, mặt hàng tương tự theo nguyên tắc như thế nào?" Mặt khác trong trường hợp đối với mua bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu khi phát hiện bắt giữ thường sẽ bị hư hỏng, móp méo, không còn nguyên vẹn về sản phẩm, bao bì… vì vậy nếu căn cứ vào giá trị theo tờ khai hàng hóa NK thì không hợp lý.
Cục Hải quan Quảng Trị cho rằng, về việc xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính tại các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn thống nhất. Do đó, Cục Hải quan Quảng Trị lúng túng bởi "để xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính theo giá thị trường thì hồ sơ khảo sát giá cần những chứng từ, tài liệu gì? Thành phần tham gia khảo sát giá?"
Để thực hiện thống nhất, Cục Hải quan Quảng Trị đề xuất, Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, cách thức xác định trị giá tang vật vi phạm theo tờ khai NK. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ khảo sát giá thị trường đối với hàng hóa thông thường và hàng cấm, hàng hóa NK có điều kiện, trong đó quy định rõ những chứng từ, tài liệu cần thiết để đảm bảo tính hợp pháp của hồ sơ khảo sát giá; Bổ sung biểu mẫu quyết định thành lập hội đồng định giá đối với tang vật vi phạm hành chính, quy định về nguyên tắc xác định giá của hội đồng…
Liên quan đến lúng túng trong quá trình thực hiện việc xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính của Cục Hải quan Quảng Trị, Tổng cục Hải quan cho biết, đối với nguyên tắc, cách thức xác định trị giá tang vật vi phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 155/2016/TT-BTC. Theo đó, đối với tang vật không bị tịch thu thì giá trị tang vật, phương tiện vi phạm là trị giá hải quan, được xác định theo các quy định hiện hành về xác định trị giá hải quan ở thời điểm lập biên bản vi phạm.
Việc xác định trị giá hải quan thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 39/2015/TT-BTC thì đối với hàng hóa, tang vật vi phạm bị tịch thu, tùy theo từng loại hàng hóa, tang vật cụ thể, việc xác định trị giá thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, việc xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên. Trường hợp hàng hóa đúng với hợp đồng hoặc hóa đơn thương mại hoặc tờ khai hải quan thì trị giá tang vật được xác định theo giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn thương mại, tờ khai NK.
Đồng thời, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể về hồ sơ khảo sát giá thị trường đối với hàng hóa thông thường, hàng cấm, hàng NK có điều kiện. Do đó, tùy từng loại tang vật vi phạm, đơn vị hải quan tự xác định hồ sơ khảo sát giá, thành phần tham gia khảo sát giá và lưu các tài liệu đó trong hồ sơ xử lý theo quy định tại Khoản 4, Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, khi thành lập hội đồng định giá, người có thẩm quyền giải quyết vụ việc ban hành quyết định thành lập hội đồng định giá tài sản. Việc định giá tang vật do hội đồng quyết định tùy theo từng loại tang vật vi phạm cụ thể theo nguyên tắc làm việc quy định tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư 173/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm là hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.