Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo gia đình người có công với cách mạng
(Ảnh: Thế Dương)
Không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách
Trong suốt chiều dài những cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước lịch sử của dân tộc, hàng triệu chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, hàng triệu người đã vĩnh viễn ra đi. Nhiều gia đình cùng một lúc đã mất đi nhiều người thân yêu nhất của mình. Nhiều người đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng cao cả của Tổ quốc.
Đền đáp một phần hi sinh mất mát đó, nhiều năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã giành cho người có công và gia đình có công với cách mạng sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần với tất cả tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả.
Đến nay, về cơ bản, tuyệt đại đa số người có công đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi. Hiện, toàn quốc đã xác nhận trên 9 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Thế nhưng, một trong những điều băn khoăn, trăn trở nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là đã có bao nhiêu người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhưng do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn và còn nhiều lý do khác nữa nên chưa được các cơ quan chức năng xem xét để xác nhận người bị chết là liệt sỹ, người bị thương là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Trong khi đó những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách, chế độ đang xảy ra ở một số nơi đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong xã hội khi nỗi đau giả, thành tích giả đè lên nỗi đau thật, thành tích thật.
Thực tế, công tác xác nhận người có công còn tồn đọng vẫn luôn là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, ngày 29/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTB&XH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận.
Đánh giá về hơn 1 năm thực hiện Quyết định 408, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, với sự vào cuộc quyết tâm của Tổ công tác Trung ương, Ban chỉ đạo tại các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc xem xét giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ nói chung và theo quy trình giải quyết tồn đọng nói riêng, tính đến ngày 31/12/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận 2500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với với 1.250 liệt sĩ.
Hiện, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, dự kiến sẽ tổ chức trao hơn 400 bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân, gia đình liệt sĩ trong dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ này.
Điều đáng ghi nhận là rà soát lại kết quả cho thấy, tất cả các trường hợp đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng và tiêu chuẩn, có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Tất cả các trường hợp hồ sơ không đúng đối tượng, tiêu chuẩn đều không được đề nghị công nhận và thông báo cụ thể, trực tiếp đến cho gia đình, đối tượng rõ lý do. Những trường hợp, quá trình xem xét, có những tình tiết không rõ ràng hoặc có mâu thuẫn hoặc có ý kiến phân vân, phản hồi qua công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đều được tiến hành xác minh, kết luận rõ ràng, cụ thể.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, để có được kết quả như trên, là sự cố gắng, tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của chính quyền địa phương cơ sở, các nhân chứng lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội của người có công với cách mạng đã nỗ lực hết sức mình trong việc tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu để từ đó hình thành lên những cơ sở nhất định trong việc họp, bàn, mổ xẻ từng chi tiết để xem xét, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng với mục tiêu không để “lọt” người có công thật sự.
Thứ trưởng chia sẻ: Đó là những hồ sơ tồn đọng từ khá nhiều năm, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải bằng mọi cách tích cực nhất, khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ để lại của các nhà tù của địch trước đây hoặc từ những tài liệu, sổ sách, những quyển nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan; có nơi như: Long An, Vĩnh Long, An Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh... phải tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ. Có trường hợp để công nhận liệt sĩ, tổ chức và địa phương đã phải xác minh tại nhiều quân khu, đơn vị và địa phương,...; những hồ sơ còn có những điểm chưa rõ hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định: “Đặc biệt, tất cả danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ đều được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, trước hết là các bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, những người hoạt động kháng chiến, các cụ cao niên và được niêm yết, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp xã cho đến cấp tỉnh và trung ương. Tất cả những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự nhất trí, đồng thuận của các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và cũng không có bất kỳ ý kiến nào khác qua niêm yết, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp. Cho đến nay, chưa có trường hợp cụ thể nào có đơn thư phản ánh, khiếu nại dưới bất cứ hình thức nào”.
Có thể khẳng định, những đây chính là việc làm thiết thực, có ý nghĩa nhất, là một nén tâm nhang dâng lên các anh liệt sỹ nhân kỷ niệm 27/7.
Hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã nhiều lần bày tỏ, cùng với việc cả nước còn hàng trăm nghìn hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập, chưa xác định được danh tính, việc tồn đọng hồ sơ người có công là điều trăn trở và day dứt đối với thế hệ chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp. Bởi nhiều người đã già, nếu không giải quyết nhanh thì họ không có cơ hội được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác người có công với cách mạng, Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng đã yêu cầu: “Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; từng bước rà soát, phân loại và có hướng giải quyết đối với các đối tượng người có công với cách mạng còn tồn đọng ở cấp cơ sở”.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu của Ban Bí thư Trung ương Đảng đề ra trong Chỉ thị số 14, trước hết cần tiếp tục tập trung rà soát, xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng theo quy trình tại Quyết định 408 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; đồng thời tổng kết, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng thời gian qua để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Đáng chú ý, cần phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương để giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng. Thực hiện cơ chế xác nhận dựa vào cộng đồng dân cư nơi người có công sinh sống; đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác liên ngành Trung ương về giải quyết chính sách người có công; thực hiện tốt việc lập và xét duyệt hồ sơ thường xuyên theo các quy định hiện hành. Phát huy quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch và giám sát của nhân dân ngay từ khâu tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
Để hoàn thành mục tiêu cũng đòi hỏi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác xác nhận người có công với cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công; chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra các khâu thực thi chính sách ở từng địa phương, từng ngành về quá trình tổ chức thực hiện chính sách và hoạt động công chức, công vụ trong bộ máy nhà nước để bảo đảm các chính sách ưu đãi được thực thi đúng quy định, đầy đủ, kịp thời, minh bạch; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng mức mọi hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng đề nghị đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, niềm tin trong nhân dân đối với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Thực tế, việc xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng không hề dễ dàng. Bởi mỗi hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng là một hoàn cảnh, là một khó khăn thách thức rất lớn đối với những người làm chính sách.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng từng bày tỏ trăn trở “nếu không giải quyết đột phá hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công thì không bao giờ có thể trả lời cho người dân được”. Việc này đòi hỏi “làm tròn vai thuộc bài là chưa đủ, bên cạnh đó đòi hỏi sức sáng tạo, quyết tâm mới, cách làm mới” – như lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác Lao động- Người có công và Xã hội khu vực phía Bắc năm 2018.
Hy vọng với nỗ lực và quyết tâm trên những hồ sơ người có công còn tồn đọng sẽ nhanh chóng được giải quyết, mang lại cho người có công và gia đình người có công niềm động viên lớn sau bao năm mong mỏi, đợi chờ; cũng là thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng./.
Kim Thanh