Tri ân gia đình người hiến 7 mô, tạng cứu sống 6 bệnh nhân 

(Chinhphu.vn) – Ngày làm việc đầu năm mới 2019 - ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho anh Dương Hồng Quý (ở Ninh Bình, người hiến 7 mô, tạng cứu 6 bệnh nhân) vào giữa tháng 12 vừa qua.

 

Bộ trưởng Y tế trao tặng Kỷ niệm chương cho gia đình anh Dương Hồng Quý. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng đã tặng bằng khen cho tập thể BV Hữu nghị Việt Đức. Các ca phẫu thuật ghép tạng từ một người cho chết não, trong đó có ca ghép phổi đầu tiên do chính các bác sĩ Việt Nam thực hiện được đánh giá là thành công lớn trong việc làm chủ các kỹ thuật cao của các bác sĩ nước nhà.

GS. TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Đức cho biết, tính đến nay BV đã thực hiện ghép 55/105 ghép gan trên cả nước, 25/30 ca ghép tim. Đặc biệt, ê kíp các bác sĩ Việt Nam gồm các bác sĩ của BV Việt Đức và BV Bạch Mai đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam.

“Hiện sức khỏe của tất cả người bệnh được ghép tạng vừa rồi đang tiến triển tốt, có người bệnh đã được ra viện”, ông Trần Bình Giang cho biết.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời tri ân sâu sắc tới gia đình anh Dương Hồng Quý và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, đồng thời Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của tập thể các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi thành công vừa qua và Trung tâm Điều phối ghép bộ phận cơ thể người. Bộ trưởng cũng đề nghị BV Hữu nghị Việt Đức tiếp tục nỗ lực tiến tới làm chủ chắc chắn kỹ thuật ghép tụy trong tương lai gần, một trong 2 kỹ thuật rất khó trong lĩnh vực ghép tạng, cùng với ghép phổi.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (áo tím, bên trái) thăm hỏi người nhà bệnh nhân được ghép tạng. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

“Trước đó, Bệnh viện 103 đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên và có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Còn lần này, chúng ta đã thực hiện thành công ghép phổi do ê kíp người Việt thực hiện”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng cũng đề nghị BV Hữu nghị Việt Đức tiến tới tập trung thực hiện các kỹ thuật cao, còn các phẫu thuật, cấp cứu thông thường tại các khoa như Chấn thương chỉnh hình… cần phải chuyển giao và thực hiện tại các bệnh viện tuyến dưới. Đây chính là mô hình mà ngành y tế đang hướng tới.

Để cứu sống nhiều hơn nữa bệnh nhân đang chờ được ghép tạng cũng như tiến tới làm chủ các kỹ thuật cao, Bộ trưởng cũng đề nghị, ngành y tế tiếp tục tuyên truyền rộng rãi việc hiến tặng mô tạng sau khi không may bị chết não. Đây là một nghĩa cử cao đẹp “Cho đi là còn mãi”. Hiện nay, nguồn hiến tặng mô tạng sau khi qua đời để cứu sống nhiều bệnh nhân khác vẫn còn rất ít.

Thúy Hà

325 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1110
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1110
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87186846