Trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 3: Tự hào và biết ơn 

TP - “Mặc dù là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, bận trăm công nghìn việc nhưng Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn dành nhiều tình cảm sâu nặng đối với quê hương, luôn quan tâm, động viên, căn dặn, chỉ đạo Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị trong chiến đấu cũng như công cuộc xây dựng tỉnh nhà” – đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Tổng Bí thư Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, gánh vác trọng trách giang sơn nhưng rất nặng tình, nặng nghĩa với quê hương. Tình cảm sâu nặng với quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn được hun đúc từ vùng đất gió lào cát trắng, từ truyền thống gia đình và tuổi thơ gian khó của cậu bé Lê Văn Nhuận (tên thật của Tổng Bí thư Lê Duẩn).

Ông có thể giúp độc giả của Tiền Phong hiểu sâu hơn về tình cảm sâu nặng của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với quê hương Quảng Trị?

Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị mãi mãi tự hào về đồng chí Lê Duẩn – người con ưu tú của quê hương, người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Gần 60 năm bôn ba hoạt động cách mạng, đồng chí ít có dịp về thăm quê, nhưng tình cảm, trách nhiệm của đồng chí đối với quê hương không khi nào phai nhạt.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù thời gian hoạt động của đồng chí Lê Duẩn ở Quảng Trị không dài nhưng vai trò của đồng chí đối với phong trào cách mạng ở Quảng Trị là hết sức quan trọng. Sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo (10/1936), đồng chí Lê Duẩn đã về ngay Quảng Trị, đi khắp các địa bàn để nắm tình hình, khôi phục lại các tổ chức cơ sở Đảng và tổ chức truyền đạt cho các đảng viên tinh thần các Nghị quyết của Đảng. Bằng tư duy lý luận sắc bén, đồng chí đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng vào tình hình cụ thể ở Quảng Trị, đề ra những chủ trương mới sát đúng. Chỉ sau một thời gian ngắn các tổ chức cơ sở Đảng được khôi phục và đến cuối năm 1936, Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Trị được thành lập.

Trong những ngày đầu kháng chiến Mỹ cứu nước, phong trào cách mạng Quảng Trị gặp muôn vàn khó khăn, do Mỹ - Ngụy tìm mọi thủ đoạn thâm hiểm nhằm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, khủng bố các tổ chức cơ sở Đảng. Sau khi thực hiện việc chuyển quân tập kết, từ chỗ Quảng Trị có 8.400 đảng viên, đến năm 1957, toàn Đảng bộ chỉ còn lại 106 đảng viên. Buổi truyền đạt về Đề cương Cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn năm 1957, tại Hội nghị mở rộng của Đảng bộ Quảng Trị tổ chức ở Hà Nội, như một nguồn sinh khí mới, dẫn dắt phong trào cách mạng Quảng Trị, cùng với cả nước đi đến thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất non sông về một mối.

Trong những lần ít ỏi về thăm quê, có hai lần đồng chí Lê Duẩn đã rơi nước mắt. Lần về thăm quê đầu tiên sau ngày giải phóng, khi đặt chân lên mảnh đất Vĩnh Linh, nhìn làng mạc tiêu điều vì bom đạn của chiến tranh huỷ diệt, đồng chí đã khóc. Lần thứ hai đồng chí rơi nước mắt là vào năm 1983, khi chứng kiến những dòng nước mát đầu tiên từ công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn tưới tắm cho ruộng đồng phía hạ du.

Trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 3: Tự hào và biết ơn ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.

Thưa ông, mỗi lần về thăm quê, Tổng Bí thư Lê Duẩn quan tâm gì nhất và thường căn dặn điều gì?

Có lẽ điều quan tâm nhất của đồng chí Lê Duẩn mỗi khi về Quảng Trị là đời sống người dân. Ông luôn trăn trở trước cuộc sống khó khăn của nhân dân sau khi nước nhà thống nhất: “Đối với chúng ta, quê hương là tình sâu nghĩa nặng. Riêng tôi, ngoài công việc chung của cả nước vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi, không biết đồng bào từ ngày được giải phóng đến nay như thế nào? Dân quê mình có đói ăn không? Tôi nhớ trước đây giêng hai là đói lắm, khoai sắn cũng không đủ mà ăn. Biết rằng các đồng chí còn bộn bề lo toan nhiều công việc nhưng trước hết phải lo cho dân có cơm ăn áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người. Không được phân biệt bên này bên kia vì ai cũng là công dân nước Việt”.

Mỗi lần về thăm quê, đồng chí Lê Duẩn vẫn thường căn dặn: “Bây giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới, phải đảm bảo đời sống mới cho mọi người no đủ. Nếu không có lòng ưu ái đối với những ngưòi nghèo khổ, không quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội ấy thì chúng ta nói chủ nghĩa cộng sản, nói lí tưởng cách mạng chỉ là nói suông mà thôi”.

Đến nghĩa trang liệt sĩ thắp nén hương cho những đồng đội đã hy sinh, đồng chí dặn dò phải trồng thật nhiều hoa trong nghĩa trang liệt sĩ: “Ở quê mình có loài hoa Mẫu Đơn rất đẹp, hoa nở thắm đỏ, phải trồng thật nhiều hoa Mẫu Đơn lên những ngôi mộ liệt sĩ”. Đồng chí nhắn nhủ các đồng chí lãnh đạo: “Phải quan tâm giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình bị địch giết hại trong chiến tranh”. ?

Phong cách làm việc sâu sát với dân, lối tư duy chính trị sắc sảo, lòng yêu nước thương dân của đồng chí Lê Duẩn đã toát lên từ lời nói đến việc làm. Đồng chí đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà ra sức phát huy truyền thống bất khuất của quê hương, không cam chịu đói nghèo, tìm mọi cách đi lên từ đất đai, tiềm năng và lao động, đồng chí nói: “Đi đôi với phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp,lâm nghiệp thành những ngành kinh doanh quan trọng. Tổ chức và phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, mở mang nhiều ngành nghề, không ngừng sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng xuất khẩu. Mỗi làng, mỗi xã đều phải đi sâu vào khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất lao động, ra sức học tập nâng cao trình độ văn hóa”.

Đáp lại những tình cảm, trăn trở của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Quảng Trị đã làm gì để không phụ lòng mong mỏi của Tổng Bí thư?

Có thể nói, đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị, không chỉ tự hào mà còn biết ơn những tình cảm trong sáng, những lời chỉ bảo ân cần, hay những quan tâm thiết thực đối với quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn do đồng chí Lê Duẩn trực tiếp chỉ đạo, là một trong những minh chứng cho sự biết ơn vô hạn đối với đồng chí Tổng Bí thư.

Thấm nhuần lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, thực hiện những tâm nguyên và hoài bảo của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã kiên trì, bền bỉ vượt qua khó khăn gian khổ, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Trong nhiệm kỳ qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn bình quân cả nước, đạt 7,4%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quảng Trị quyết tâm thực hiện hiệu quả về ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống.

Chặng đường phía trước dẫu còn lắm chông gai và thử thách, song phát huy sức mạnh và truyền thống lịch sử, tiếp nối những thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị quyết tâm thực hiện bằng được những lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, góp phần cùng cả nước vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.


1156 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2169
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 2170
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 75969321