Trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 1: Ký ức tháng Tư 

TP - Những ngày đầu tháng Tư này, đi trên mảnh đất Gió Lào cát trắng một thời, đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa. Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của lãnh đạo kiệt xuất Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907- 7/4/2017). Bao ký ức về người con ưu tú của quê hương lại hiện về trong lòng mỗi người dân Quảng Trị.

Đau đáu với quê hương

Xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, nơi có nhà lưu niệm và bảo tàng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đang tất bật cho ngày lễ trọng đại này. Gặp ông Nguyễn Đính (SN 1952), nguyên Chủ tịch UBND, quyền Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành những năm 80, người nhiều lần được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn đang dâng hương tại nhà lưu niệm. Ông nói, người dân Quảng Trị, đặc biệt là Triệu Thành tự hào và mang ơn Tổng Bí thư nhiều lắm. Ngồi bên gốc cây vú sữa cổ thụ, bóng mát trùm cả ngôi nhà lưu niệm, bao ký ức về Tổng Bí thư Lê Duẩn lại hiện về trong ông.

Ông kể, nhà của Tổng Bí thư Lê Duẩn trước ở thôn Bích La. Khoảng năm 1909, thân phụ của Tổng Bí thư dời nhà lên làng Hậu Kiên, gần sông tiện cho việc vận chuyển gỗ để làm nghề mộc. Tổng Bí thư lúc nhỏ có tên Lê Văn Nhuận, đến khoảng 20 tuổi thì thoát li làm cách mạng. Khi biết, người của Triệu Thành làm Tổng Bí thư, địch o bế, đàn áp nhân dân ở đây rất dã man, nhưng người dân Triệu Thành vẫn trung trinh một lòng theo Đảng cho đến ngày giải phóng.

Năm 1976, sau gần 1 năm nước nhà độc lập, thống nhất, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm quê. Lúc đó ông Đính là Bí thư Đoàn xã, được phân công chỉ huy lực lượng bảo vệ Tổng Bí thư. Ông Đính nhớ lại, Tổng Bí thư đứng lặng trước ngôi nhà thời thơ ấu của mình, sờ lên từng cành cây, bụi cỏ, từng cái cột, cái kèo, để tìm lại hơi ấm người thân và những kí ức ngày xưa. Đi một vòng thăm hỏi bà con, nhân dân trong vùng, nhìn ruộng đồng khô khát, ý tưởng về một công trình thủy lợi bắt đầu nung nấu trong suy nghĩ của Tổng Bí thư.

Năm 1978, công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn bắt đầu được khởi động, cũng trong năm này Tổng Bí thư lại về thăm quê, trực tiếp động viên những người lao động trên công trường. Năm 1981, khi nhìn thấy dòng nước đầu tiên của công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn tưới mát cho rộng đồng của 3 huyện phía hạ du, Tổng Bí thư vui mừng thốt lên trong nghẹn ngào xúc động: “Có nước rồi, từ nay dân ta không còn đói nữa rồi!”.

Cũng trong năm này, Tổng Bí thư cho xã Triệu Thành làm chợ Sãi, với 3 mái đình rộng lớn và kiên cố. Mọi người lo chợ rộng quá không đủ người, Tổng Bí thư cười đùa: “Rải rải (từ từ) chợ Sải cũng đông”. Đúng như lời Tổng Bí thư nói, sau khi hoàn thành, chợ Sải trở thành trung tâm giao thương của các xã trong vùng, thậm chí người ở thị xã Quảng Trị cũng về đây buôn bán và sầm uất cho đến ngày nay.

Sau cơn bão 1985, xã Triệu Thành gần như bị san phẳng, Tổng Bí thư lo lắng, yêu cầu lãnh đạo xã báo cáo tình hình. Ông Nguyễn Đính vinh dự được cử ra gặp Tổng Bí thư. Sau khi nghe báo cáo, Tổng Bí thư trầm ngâm một hồi rồi nói: “Đất nước còn nghèo, cậu về động viên nhân dân đùm bọc nhau vượt qua khó khăn trước mắt. Tôi sẽ gửi tặng một chiếc máy cày để xã nhà khôi phục sản xuất”, ông Đính nhớ lại.

 

Trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 1: Ký ức tháng Tư ảnh 1 Ông Đính với món quà tặng bất ngờ của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Khoai và sắn, luôn là quà của quê hương

Là một lãnh đạo địa phương lâu năm, thường xuyên được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông Đính nhận xét: Tổng Bí thư là một người giản dị, dễ gần và nặng tình với gia đình, quê hương. Mặc dù ở vị trí cao nhất trong Đảng, nhưng mỗi lần về quê, Tổng Bí thư luôn ngủ lại trong ngôi nhà thời thơ ấu của mình. Món ăn quê hương mà Tổng Bí thư thích nhất là khoai và sắn.  Vì vậy mà món quà quê mỗi khi ông Đính mang ra Hà Nội là những bao khoai và sắn mang hương vị thơm bùi chất đất nắng gió này.

Cứ mỗi lần về quê, Tổng Bí thư lại đi thăm hỏi khắp làng trên xóm dưới. Vào nhà nào luộc khoai và sắn là Tổng Bí thư sà vào ăn một cách ngon lành. Vừa ăn Tổng Bí thư vừa nói: “Mồng 1 Tết mà tôi đến thăm nhà nào cũng thấy luộc sắn. Bà con ta còn nghèo quá! Trong đời hoạt động cách mạng, tôi đã chịu nghèo khổ nhưng bây giờ đất nước đã được thống nhất, phải lo làm sao để cho dân giàu lên. Phấn đấu để đồng bào ta, các ông bà già, trẻ con mỗi bữa có một miếng thịt, một cốc sữa mà rất khó”.

Trong một lần mang khoai, sắn ra Hà Nội tặng Tổng Bí thư, ông Đính được Tổng Bí thư mời về nhà ở số 6 Hoàng Diệu ăn cơm. Ông bất ngờ trước bữa ăn đạm bạc của gia đình người lãnh đạo Đảng. Bữa ăn chỉ có một ít thịt, đậu phụ rán, canh rau và thêm sản vật quê hương mà ông vừa mang ra. “Bưng bát cơm ăn mà tui ứa nước mắt khi nhìn thấy Tổng Bí thư ăn khoai và sắn một cách ngon lành. Tổng Bí thư nói với mọi người trong gia đình: “Đây là thứ đã nuôi ba khôn lớn. Ăn để nhớ những ngày cơ cực. Ăn để biết nhân dân ta còn khó khăn nhiều lắm” - ông Đính kể lại.

Ăn xong, ông Đính lẻn ra vườn hút thuốc với người cảnh vệ. Khi quay trở vào để chào về, bất ngờ Tổng Bí thư hỏi: “Cậu có hút thuốc à?”. Ông Đính rưng rưng nhớ lại cảm xúc lúc đó: “Tui nghe hỏi mà toát cả mồ hôi hột. Cứ nghĩ là Tổng Bí thư trách mắng mình. Tui lắp bắp “Dạ có”. Tổng Bí thư không nói gì, quay người về phía giá sách, lấy ra một cái gạt tàn bằng đá, chạm con sư tử rất đẹp trao cho tôi rồi nói: “Cậu vất vả với xã nhà, không có gì tặng cậu. Có cái gạt tàn họ tặng tôi, tôi tặng lại cậu để làm kỷ niệm. Tui cầm cái gạt tàn mà hai tay run lập cập vì quá bất ngờ và xúc động. Mang cái gạt tàn thuốc về nhà, cả xã đến xem, ai cũng trầm trồ khen đẹp. Họ nói tui may mắn được Tổng Bí thư tặng quà. Sau này tui bỏ thuốc, nhưng cái gạt tàn của Tổng Bí thư vẫn luôn giữ bên mình như một báu vật vậy”.

 

Trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 1: Ký ức tháng Tư ảnh 2 Những ngày này, nhà lưu niệm của Tổng Bí thư luôn đông nghịt người vào thăm.

Năm 1986, khi đang nằm trên giường bệnh, trong những ngày cuối đời, Tổng Bí thư Lê Duẩn cho phép ông Đính được ra thăm. “Tui vào bệnh viện, thấy Tổng Bí thư bệnh nặng lắm rồi. Các y bác sỹ phải chích xuyên vùng bụng để nước chảy ra một cái bao phía ngoài. Mặc dù rất yếu, nhưng Tổng Bí thư vẫy tui lại gần, hỏi han chuyện quê hương, đời sống nhân dân có được tiến bộ không. Tổng Bí thư dặn tui, phải đoàn kết để giúp dân phát triển kinh tế, phải đa ngành nghề, phải đi sâu vào ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động…” - ông Đính bùi ngùi.

Ông Trần Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Triệu Thành cho biết: Năm 2015 xã đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và là xã đầu tiên của huyện Triệu Phong hoàn thành chương trình này. Chỉ tính riêng năm 2016, giá trị sản xuất các ngành ước đạt hơn 75,3 tỷ đồng, tăng 14,82% so với năm 2015. Trong đó, giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng cao với 50,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 30 triệu đồng/người/năm. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo co cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Nhân nói: Những lời hứa của bao lớp lãnh đạo trước đây với Tổng Bí thư cũng là tâm nguyện của Đảng bộ và nhân dân Triệu Thành, giờ đã thành hiện thực…                   

(Còn nữa)

1142 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 927
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 927
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87121524