Địa danh Khe Hó một thời oanh liệt
Nhưng trong ký ức của những cựu chiến binh (CCB), dân quân, thanh niên xung phong (TNXP) từng tham gia mở đường Trường Sơn huyền thoại vẫn còn tươi nguyên bao kỷ niệm một thời chiến tranh máu lửa không thể nào quên.
Ông Võ Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà, ngậm ngùi nói rằng, những nhân chứng một thời chiến tranh gắn bó với địa danh Khe Hó nay kẻ còn, người mất. Người còn thì cũng đã già đi lại khó khăn. Bây giờ muốn tìm hiểu kỹ về căn cứ Khe Hó thì nên gặp già Hồ So, ở bản Khe Hó mới, nằm ngay sau lưng trụ sở UBND xã. Nói rồi ông Sanh vui vẻ cử cán bộ dẫn chúng tôi đến nhà già Hồ So. Giữa trưa nắng, sân nhà già Hồ So phơi đầy lúa mới vừa thu hoạch, rực lên màu vàng sáng.
Bà Hồ Thị Môn, vợ của già So vừa về đến nhà sau một buổi sáng đi rẫy. Chiếc A chói trên lưng chất đầy củi, người phụ nữ Vân Kiều đã ở tuổi “cổ lai hy” với bước đi chắc nịch. Bà Môn tháo A chói củi dựng ở góc nhà sàn, xởi lởi mời khách lên nhà.
|
Tuyến đường Khe Hó nay đã là rừng keo xanh bạt ngàn. |
Khi chúng tôi bước lên nhà sàn, lúc này già So đang dạy cháu nội ông học bài. Nghe chúng tôi trình bày muốn vào Khe Hó, ông liền đứng dậy, cười bảo chúng tôi đi ngay. Ra khỏi nhà, dù đã 76 tuổi, song già Hồ So vẫn bước nhanh trên đường rừng chẳng thua các trai bản...
Còn nhớ, cách đây 10 năm, vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chúng tôi đã có chuyến tác nghiệp ngược Vĩnh Hà vào Khe Hó rất vất vả, hiểm nguy. Đường rừng bị các phương tiện vận tải chở lâm sản cày xới thành những cái rãnh sâu lầy lội, trơn trượt; hai bên là đất, đá núi bị mưa lũ làm xói lở, sẵn sàng rơi xuống bất cứ lúc nào.
Thời điểm đó, những dấu tích xưa của Khe Hó đã bị thời gian và con người tác động làm mai một rất nhiều. Ở đó, còn lại chủ yếu là những bãi đất bằng rộng chừng 1-2ha, xen giữa là những rừng cây bụi lúp xúp. Đôi chỗ trên những bãi bằng ấy sót lại một vài gốc cây mít già, chi chít vết đạn bom trên thân cây.
Lần đi ấy, ngoài già Hồ So, còn có già Hồ Thanh và ông Võ Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà. Lần này vào lại Khe Hó cùng chúng tôi chỉ có già Hồ So. Hầu hết người dân sinh sống, lao động, chiến đấu ngày đó ở Khe Hó đến nay đều đã qua đời vì tuổi cao. Số ít người còn sống cũng đã ngoài 80 tuổi, không còn có đủ sức khỏe để leo, lội đường rừng hàng chục cây số. Riêng ông Sanh, lần gặp lại này, cũng là lần đầu tiên ông trở lại làm việc sau nhiều tháng phải nằm viện điều trị bệnh… Vừa đi, già Hồ So vừa kể chuyện.
Ông kể, vào khoảng đầu năm 1959, khi đó ông vừa tròn 16 tuổi, Tiểu đoàn 301, Bộ đội Trường Sơn, do Thiếu tướng Võ Bẩm chỉ huy, đã tìm đến Khe Hó để bàn với dân bản 2 điều quan trọng. Một là giữ bí mật công việc, hai là mở đường Trường Sơn. Ông và ông Hồ Thanh là những thanh thiếu niên đầu tiên của bản làng, tiên phong tham gia vào công việc mở đường Trường Sơn huyền thoại.
Già Hồ So chỉ tay về phía ngọn núi cao trước mặt bảo, đầu tiên, những thanh thiếu niên khỏe mạnh, có kinh nghiệm đi rừng tốt như ông, tiên phong vượt núi băng rừng xem chỗ nào địa hình địa chất thuận lợi, an toàn để chỉ dẫn cho bộ đội làm dấu, cắm mốc tiến hành công việc mở đường.
Điểm đầu của con đường này ở đây được chọn nằm giữa một khu rừng nguyên sinh rậm rạp, dưới chân dãy động Nóc, sát Rào Thanh phía thượng nguồn sông Bến Hải, cách bản Khe Hó khoảng 4km về phía Bắc và giáp với tỉnh Quảng Bình.
Thời điểm đó, được Huyện ủy Hướng Hóa và Khu ủy Vĩnh Linh tích cực giúp đỡ, Đoàn 559 đã hạ quyết tâm mở con đường từ đây qua rừng núi Vĩnh Ô (Vĩnh Linh), qua các điểm động Nóc, Bô Hô xứ, động Voi Mẹp, động Ka Lư, vượt đường số 9, qua làng Riêu, làng Rao đến Tà Riệp, Pa Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị).
Đến đầu tháng 8-1959, công việc mở đường và xây dựng các trạm trên tuyến cơ bản đã xong. Ngày 13-8-1959, Tiểu đoàn 301 bắt đầu vận chuyển chuyến hàng đầu tiên. Qua 8 ngày đêm gian khổ, 40 khẩu súng trường, tiểu liên, 10 thùng đạn, một ít quân trang, quân dụng cần thiết đã được đơn vị đưa đến Tà Riệp bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn.
Sau khi chuyến hàng đầu tiên vận chuyển vào Liên khu 5 thuận lợi, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đẩy nhanh tốc độ vận chuyển. Đến hết tháng 8-1959, đoàn đã vận chuyển giao cho Liên khu 5 và Trị Thiên 100 khẩu súng tiểu liên, súng trường, hơn 60 khẩu súng trung liên cùng một số lượng lớn đạn và quân dụng.
Già Hồ So nhớ lại rằng, đến năm 1960, địch phát hiện ra con đường này nên chúng bắt đầu chiến dịch rải chất dioxin phát quang rừng núi, ném bom càn quét dọc tuyến rất dữ dội. Con đường không còn thuận lợi như trước, bộ đội Trường Sơn lúc này phải xoay về con đường 20 ra phía Quảng Bình, rồi vòng lên Nam Lào qua Trị Thiên và vào Nam.
Tuy nhiên, con đường vẫn duy trì hoạt động vào ban đêm, mỗi lượt có 20-30 chuyến xe chở lương thực, đạn dược xuất phát từ Khe Hó vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi về, những đoàn xe đều chở theo bộ đội, học sinh từ miền Nam ra miền Bắc để đào tạo nâng cao trình độ văn hóa và nghiệp vụ chiến đấu.
Năm 1966, Cục Hậu cần Mặt trận B5 tập trung khai thác trở lại con đường Trường Sơn từ Khe Hó để phục vụ giải phóng miền Nam. Người dân Khe Hó đã luôn sát cánh cùng với bộ đội chiến đấu giữ làng, giữ vững căn cứ hậu cần và thực hiện hàng trăm chuyến vận tải vũ khí, đạn dược vào Nam.
Qua 8 năm cũng là thời gian Mỹ ném bom xuống miền Bắc ác liệt nhất, năm 1973, Đông Hà được giải phóng, Cục Hậu cần Mặt trận B5 chuyển vào đó để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hậu cần tiền tuyến. Một năm sau, bản làng Khe Hó cũng được di dời đi nơi khác, nay là bản Khe Hó mới nằm sát sau lưng UBND xã Vĩnh Hà, cho thuận lợi với công việc phát triển sản xuất và sinh sống của bà con…
Chúng tôi lướt nhìn xung quanh một lượt, xung quanh đều phủ kín rừng cây keo tươi tốt, trải dài như những dải lụa xanh. Lúc quay trở về, ngang qua một đồi cây, già Hồ So bỗng dừng lại rất lâu. Ông bùi ngùi, đau xót nói rằng, nơi đây năm 1967, giặc Mỹ đã ném bom tọa độ làm 7 dân quân và TNXP của bản Khe Hó lúc đó đang đi tìm bắt giặc lái, hy sinh và bị thương nặng. Những người hy sinh có ông Nguyễn Văn Noàn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hà, các ông khác là Hồ Văn Phơng, Hồ Văn Xa Rả, Hồ Xa Lả và bà Hồ Thị Hồng. Những người bị thương là ông Hồ Văn Phưn và Hồ Hò, nay 2 ông đều đang sinh sống với con cháu ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa...
Có thể nói, các tuyến đường Trường Sơn, trong đó có tuyến xuất phát từ Khe Hó, đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào các cuộc chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị và miền Nam nói chung. Trong số đó, phải kể đến chiến thắng vang dội Đường 9 - Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) vào ngày 9-7-1968.
Đất nước hòa bình, tiếng súng chiến tranh cũng đã nguội tắt từ lâu, nhưng không ít nơi trên mảnh đất này vẫn còn mùi bom thuốc đạn còn sót lại. Dẫu vậy, bà con nơi đây vẫn luôn kiên trì vượt khó để cuộc sống trong hòa bình xứng đáng với công lao to lớn của lớp cha anh đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc...
Phan Thanh Bình