Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia, trong lần thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đầu tiên, gói thầu mua sắm gồm 5 biệt dược và 17 thuốc generic của 5 hoạt chất điều trị ung thư, đã xong bước chấm thầu, hiện đang tiến hành các bước để thỏa thuận khung và ký thỏa thuận với nhà thầu.
Đợt mua sắm này được phân ra 5 gói thầu gồm: gói mua biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị, 4 gói khác mua thuốc thuộc danh mục phân theo 4 vùng kinh tế-xã hội để các nhà thầu xác định năng lực cung ứng phù hợp. Theo đó, có 32 công ty tham gia mua hồ sơ mời thầu. Khi đóng thầu, có 26 nhà thầu nộp hồ sơ với 82 hồ sơ dự thầu nộp đúng thời gian và địa điểm thuộc 5 gói thầu này.
Cuối tháng 8 vừa rồi, Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia đã mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu tham dự 5 gói thầu này và đến ngày 25/8, đã xét về giá. Dự kiến kết quả trúng thầu sẽ được Bộ Y tế sớm công bố trong thời gian tới.
Gói thầu tập trung đầu tiên này có giá trị trong vòng hai năm (từ ngày 1/1/2018 đến hết năm 2019). Dựa trên danh mục 22 loại thuốc lần này, căn cứ theo nhu cầu sử dụng năm trước, cơ cấu bệnh tật... các bệnh viện dự trù số thuốc cần dùng và chịu trách nhiệm về con số này. Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia tổng hợp số lượng thuốc đấu thầu từ nhu cầu của các bệnh viện.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cũng cho biết, do quy mô gói thầu lớn nên sẽ giảm được giá thuốc trúng thầu, giảm đầu mối tổ chức, số lượng người tham gia, thời gian… Sau khi trúng thầu, Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia có thể ký hợp đồng đặt hàng trước mua thêm không quá 120% so với gói thầu. Doanh nghiệp cũng phải cam kết có thể cung cấp hơn 30% so với gói thầu để tránh tình trạng thiếu thuốc.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế cũng sẽ theo dõi sát, điều chuyển hài hòa giữa các đơn vị cung ứng và sử dụng, đồng thời Bộ sẽ rút kinh nghiệm để mở rộng danh mục đấu thầu tiếp theo. Mục tiêu của việc đấu thầu tập trung nhằm giảm giá thuốc khoảng 10-15% theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đấu thầu tập trung dẫn đến mua thuốc rẻ, kém chất lượng?
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia khẳng định, không có chuyện đấu thầu tập trung dẫn đến việc mua thuốc rẻ, kém chất lượng.
Đại diện Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia lý giải, nhà thầu cung cấp thuốc phải đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính. Điểm kỹ thuật đánh giá trên thang điểm 100 (70% chất lượng; 30% đóng gói, bảo quản, giao hàng). Thuốc đạt điểm kỹ thuật 80/100 mới được bước vào vòng đánh giá tài chính tiếp theo. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất (kỹ thuật và giá) sẽ được đánh giá lựa chọn trúng thầu, trong đó, yếu tố giá chiếm tỉ lệ 70%, kỹ thuật chiếm 30%.
Bên cạnh đó, theo quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành phải đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả khi sử dụng.
Ngoài ra, thuốc sau khi được cấp số đăng ký lưu hành, hệ thống kiểm nghiệm (các Viện Kiểm nghiệm Trung ương và các Trung tâm kiểm nghiệm trên toàn quốc) thực hiện công tác hậu kiểm về kiểm tra chất lượng thuốc, tất cả các trường hợp không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký lưu hành sẽ bị xử lý theo quy định (thu hồi, rút số đăng ký lưu hành).
Theo quy trình đấu thầu mua thuốc, phải qua giai đoạn đánh giá tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng thuốc đạt yêu cầu, cuối cùng mới chuyển sang bước đánh giá về giá để lựa chọn mặt hàng trúng thầu. Liên quan tới vấn đề này, Luật đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP cũng đã bổ sung yếu tố kỹ thuật, chất lượng thuốc vào điểm đánh giá tổng hợp để xét duyệt mặt hàng trúng thầu.
Thực tế, với những ý kiến trước đây cho rằng thuốc trúng thầu giá thấp, không bảo đảm chất lượng tại TPHCM, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% thuốc trúng thầu năm 2013-2014 tại Sở Y tế TPHCM. Kết quả cho thấy, đều đạt yêu cầu về chất lượng.
Thúy Hà