Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông tại địa phương
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) cho biết thống nhất phương án trình của Chính phủ tăng tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.
Điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.
Về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương và về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, trong thời gian qua, nhiều địa phương có văn bản đề xuất cho phép họ được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông tại địa phương.
Tuy nhiên, những quy định hiện hành không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc vì đây là nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương.
"Do đó, với đề xuất này khi trao quyền chủ động, giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án của địa phương hoặc dự án đi qua nhiều địa phương sẽ góp phần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án, gián tiếp hỗ trợ thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP, dự án đầu tư khác. Đồng thời tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và thuận lợi hơn cho công tác quản lý dự án", đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu ý kiến.
Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) cũng đồng tình với việc giao cho một địa phương làm cơ quan chủ quản đối với đối với các dự án đi qua địa bàn hai tỉnh (dự án liên kết vùng) trong giai đoạn từ nay đến khi Luật Đường bộ được Quốc hội thông qua.
Đại biểu cho rằng, hiện nay, việc kết nối giao thông giữa các địa phương lân cận còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Một trong những nguyên nhân đó là các công trình giao thông này thường nằm trên địa bàn của hai tỉnh và hiện chưa có các quy định pháp luật đầy đủ để điều chỉnh đối với việc đầu tư xây dựng các công trình nêu trên.
Điều chỉnh cơ chế để tăng tính hấp dẫn
Góp ý cụ thể vào Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) nhắc tới cơ chế quản lý tài chính, thanh toán đối với vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP)
Đại biểu cho rằng, theo các quy định hiện tại thì nhà đầu tư phải chủ động bỏ vốn chủ sở hữu, vốn vay để thực hiện các hạng mục công trình trước (bao gồm cả phần chi phí thuộc phần vốn Nhà nước tham gia) và chi sau khi hạng mục công trình đó đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận đã hoàn thành thì mới được Nhà nước giải ngân.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, việc này sẽ làm giảm tính hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, gây khó khăn không nhỏ cho nhà đầu tư khi thu xếp, bố trí vốn triển khai dự án cũng như ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
"Như vậy, cần nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh nội dung này vào Điều 4 dự thảo Nghị quyết theo hướng: "Phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP được thanh toán, giải ngân theo tiến độ, tỉ lệ tương ứng với phần vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng do nhà đầu tư huy động", đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu ý kiến.
Hải Liên