|
Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với các chuyên gia quốc tế về những vấn đề lớn của Việt Nam như: Để đạt được mục tiêu vào các năm 2030-2045, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng bình quân 7,5%/năm – đây là một mức cao và không dễ đạt được. Nhưng nếu không đạt được mức tăng trưởng này thì Việt Nam khó trở thành nước công nghiệp, khó trở thành nước thu nhập cao…
Muốn thực hiện mục tiêu, Việt Nam xác định 3 đột phá chiến lược là xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao… Ngoài ra, cần 2 nội dung đột phá cho giai đoạn tới, đó là phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam đang có những vấn đề, những bài toán khó cần giải quyết như: Làm sao để phân bổ nguồn lực hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển nhanh, nhưng lại không bỏ rơi các khu vực vùng sâu, vùng xa. Việt Nam có nhiều bài toán cần giải quyết trong quá trình phát triển như ngân sách hạn hẹp, biến đổi khí hậu, trong khi cần nguồn lực lớn để đầu tư, khu vực kinh tế tư nhân còn khó khăn, năng suất lao động thấp, lựa chọn đổi mới mô hình như thế nào để tạo động lực tăng trưởng tốt nhất, làm sao để giảm khoảng cách giàu nghèo…
Phát biểu thảo luận, ông Jan Rielander – Trưởng bộ phận đánh giá quốc gia đa chiều của OECD cho rằng, dù Việt Nam đã là một quốc gia có nhiều bài học thành công nhưng trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ, Việt Nam nên là một nền kinh tế tích hợp. Tích hợp giữa các khu vực kinh tế như: Khu vực kinh tế nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân trong nước... Khi các khu vực này liên kết và tương tác được với nhau sẽ tạo ra cơ hội mới. Đồng thời, cần tạo được đòn bẩy trong giáo dục và đổi mới giáo dục, nâng cao năng suất lao động. Nếu làm được những việc này, thì trong tương lai Việt Nam mới có thể tiến kịp các nước thành công như Malaysia.
|
Các chuyên gia hàng đầu của quốc tế đóng góp nhiều ý kiến quý giá tại buổi toạ đàm. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Theo TS David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brooking Hoa Kỳ, nguyên Giám đốc quốc gia WB tại Trung Quốc: Xu hướng phi toàn cầu hoá, các cuộc căng thẳng thương mại có tác động tới Việt Nam, vốn là một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, Việt Nam không nên chỉ tập trung vào lắp ráp hàng hóa của khu vực FDI, phải phát triển mạnh khu vực dịch vụ, tài chính…Bên cạnh đó, cần có các giải pháp phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, cần coi khu vực này là xương sống tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng.
GS.Sungchul Chung, đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (STEPI) cho rằng: Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng rất quan tâm đến khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, nhưng thực tế sự thành công chưa nhiều, đặc biệt là các nước đang phát triển.
GS.Sungchul Chung gợi ý, trước tiên Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao năng lực tiếp thu, thẩm thấu khai thác sử dụng cho tốt, cập nhật các kiến thức công nghệ hiện đại, thay vì tập trung nguồn lực theo đuổi sáng tạo những cái mới hoàn toàn.
Các nước đang phát triển cần ưu tiên học hỏi những kiến thức hiện đại, đang có của nhân loại, biến thành các giá trị kinh tế xã hội, thay vì chăm chăm chạy theo nghiên cứu cơ bản, cố phát minh ra thứ mới. Bên cạnh đó, khi nguồn lực có hạn, cần ngồi lại phân tích và lựa chọn nên làm gì tốt nhất để tập trung phát triển, không thể đầu tư dàn trải...
GS.Sungchul Chung cũng khuyến nghị Việt Nam cần có giải pháp để tăng cường năng lực tự học của con người. Theo ông, trong bối cảnh công nghệ tiến rất nhanh, không thể biết chắc ngày mai có gì, thì việc những người trẻ có năng lực học tập để cập nhật kiến thức kịp thời là điều quan trọng nhất.
Các chuyên gia cũng lưu ý, không thể có một công thức chung, hay một mô hình áp dụng cho các quốc gia. Mọi kinh nghiệm tốt, hay cả bài học thất bại được nhắc lại… chỉ có tính gợi mở để Việt Nam đưa ra sự lựa chọn và quyết định tốt. Những kinh nghiệm, giải pháp đề xuất cần được điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm quan trọng của Việt Nam, quyết định đúng, Việt Nam sẽ tiếp tục thành công, sẽ đạt được mục tiêu và khát vọng.
Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Đây là những thông tin có ý nghĩa quan trọng, những trao đổi sâu về các vấn đề của Việt Nam, từ đó đưa ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam nhằm đóng góp cho việc xây dựng Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 của Việt Nam.
Ngoài ra, còn một số vấn đề sẽ được tiếp tục trao đổi sâu thêm tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) được tổ chức vào chiều 19/9.
Huy Thắng