Trao đổi kinh nghiệm giải bài toán năng lượng cho tương lai Việt Nam 

(Chinhphu.vn) – Ngày 22/7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị với Phiên toàn thể tổ chức theo hình thức Hội nghị trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh ủy/thành ủy và 30 điểm cầu quốc tế tại 15 quốc gia và 4 hội thảo chuyên đề.

Phát biểu tại phiên toàn thể, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, năng lượng là ngành kinh tế-kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 
 

 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu. Ảnh:VGP/Đoàn Bắc

Qua tổng kết cho thấy, trong thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành.

 

Tuy vậy, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

 

Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

 

Trên cơ sở Đề án tổng kết, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sau khi được ban hành, với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, Nghị quyết 55 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế; tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị.

 

 

Toàn cảnh Phiên toàn thể Diễn đàn. Ảnh:VGP/Đoàn Bắc

Trong thời gian qua, trên cơ sở vận dụng sáng tạo các định hướng và giải pháp đề ra trong Nghị quyết vào thực tiễn, một số địa phương và doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và kịp thời xử lý, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc để phát triển năng lượng; việc xây dựng, bổ sung quy hoạch các dự án nguồn điện, nhất là các nguồn điện tái tạo được chú trọng và nâng cao hiệu quả; nhiều dự án năng lượng sạch và tái tạo quy mô lớn được đề xuất thực hiện phù hợp với những quan điểm, định hướng được nêu trong Nghị quyết 55.

 

Chủ trương đúng đắn về phát triển năng lượng quốc gia đã được Đảng đề ra trong Nghị quyết 55 song để Nghị quyết đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện và quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng đã nêu trong Nghị quyết 55.

 

Vì vậy, với tinh thần trách nhiệm cao, cần thực hiện phối hợp tốt giữa 3 khâu có mối quan hệ hữu cơ với nhau, cụ thể là: Tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết (do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì); Triển khai thực hiện Nghị quyết (do Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội và các ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy chủ trì); và Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết (do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì). Do đó, hôm nay, Ban Kinh tế Trung ương cùng Chính phủ chủ trì, với sự phối hợp của một số Ban Đảng Trung ương như: Ban Tuyên giáo Trung ương,   Ban Đối ngoại Trung ương và các bộ, ngành liên quan: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Nguyên và Môi trường… tổ chức Diễn đàn.

 

Thông qua Diễn đàn, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo chương trình hành động cũng như các cơ chế, chính sách để triển khai cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương đã nêu tại Nghị quyết 55.

 

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng là dịp để trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình và cách làm hay trong phát triển năng lượng của các địa phương cũng như kinh nghiệm quốc tế; tạo cơ hội cho các lãnh đạo địa phương và các quý vị đại biểu trải nghiệm các công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng thông qua hoạt động triển lãm.
Cũng tại Diễn đàn này, các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ đầu tư với UBND các tỉnh, thành phố, giữa nhóm các nhà đầu tư trong các Dự án năng lượng với nhau và với ngân hàng đầu mối thu xếp vốn. Các ghi nhớ này với quy mô lên đến hàng chục USD là minh chứng sống động, thể hiện sự quyết tâm của các địa phương và doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong đầu tư, phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

 
 

 

Các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết các dự án tài trợ. Ảnh:VGP/Đoàn Bắc

Với các mục đích và ý nghĩa đặc biệt đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị các đại biểu cần tập trung trao đổi, làm rõ một số vấn đề trọng tâm.

 

Thứ nhất, xác định rõ các nhiệm vụ trong từng giai đoạn để cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo của Đảng nêu tại Nghị quyết 55; kiến nghị, đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành năng lượng theo tinh thần của Nghị quyết,

 

Thứ hai, kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện; xử lý những vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng có quy mô lớn theo quan điểm, chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

 

Thứ ba, trao đổi, đề xuất những vấn đề lớn, mang tính chiến lược để tạo lập cơ chế, chính sách tạo điều kiện để hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch và tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế phát triển, chú trọng đối với một số địa phương hiện đang còn nhiều khó khăn.

 

Thứ tư, làm rõ các kinh nghiệm quốc tế về mô hình, cơ chế, chính sách, về các giải pháp công nghệ đột phá trong phát triển năng lượng, nhất là trong chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển bền vững.

 

Thứ năm, đánh giá, làm rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; mối quan hệ hữu cơ, tác động đến các đối tượng chịu tác động của chính sách từ nhà nước – doanh nghiệp – người dân – các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong quá trình phát triển năng lượng đất nước. Từ đó đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách.

 

 

Các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm bên lề Diễn đàn về năng lượng. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao việc Đảng và Chính phủ Việt Nam đã thiết lập hướng đi rõ ràng cho phát triển năng lượng bền vững.

 

Đại diện UNDP cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong việc lựa chọn chiến lược để tăng trưởng. Tuy nhiên, sẽ khó để đạt được tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo đầy đủ nếu không có sự tham gia đầy đủ từ khu vực tư nhân.

 

Khảo sát của UNDP với một số ngân hàng, tổ chức đầu tư cho thấy, Việt Nam cần khoảng 10-15 tỷ USD để đầu tư vào năng lượng tái tạo, đồng thời khẩn trương tháo gỡ các rào cản chính sách.

 

Các nhà đầu tư quốc tế cần được giải toả mối quan ngại liên quan đến thoả thuận mua bán điện (PPA), áp dụng cơ chế mua điện trực tiếp (DPPA) giữa các nhà phát triển năng lượng tái tạo và người tiêu dùng cuối cùng; cần tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến chi phí giao dịch cao do sự phức tạp về pháp lý; cần đào tạo, phát triển nhiều hơn các DN vừa và nhỏ trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả…

 

“Luật Đối tác công tư vừa mới được thông qua gần đây đã mang lại tiềm năng lớn cho đầu tư tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng”, bà Caitlin Wiesen kỳ vọng.

 

Được biết, theo WB, trong ngành năng lượng, nhu cầu tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 13% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% cho đến năm 2030. Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030.

 

Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030.

 
 

Huy Thắng

189 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 769
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 769
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87212158