|
Ông Vũ Huy Hoàng (trái) và ông Trần Văn Nam. (Ảnh: VGP.) |
Ngay trong ngày làm việc thứ hai Hội nghị Trung ương 3, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, kết luận, biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng; thi hành kỷ luật đồng chí Trần Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Bình Dương bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ: 2010 - 2015, 2015 - 2020 và 2020 – 2025.
Trước đó, Cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng từng nhận nhiều hình thức kỷ luật của Trung ương Đảng khóa XII. Cuối tháng 4/2021 vừa qua, ông Hoàng đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 11 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Âu cũng là luật “nhân quả” cho quá trình sa ngã từ việc xuống cấp đạo đức, tha hóa quyền lực, vì đồng tiền của một quan tham.
Người thứ hai đang được dư luận quan tâm là trường hợp Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam. Ông là người đầu tiên bị kỷ luật từ sau Đại hội XIII của Đảng. Ông Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng công ty 3/2; buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hóa tài liệu để che giấu vi phạm; gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước…
Những sự việc nêu trên không làm người ta ngạc nhiên, bất ngờ, nhưng cũng khiến dư luận không khỏi băn khoăn, trăn trở, đau lòng. Vì đâu những người từng giữ cương vị đứng đầu một bộ, một địa phương lại thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật như vậy? Thật đáng buồn là đây không phải là các trường hợp đầu tiên, duy nhất. Và những sai phạm của hai ông đều tương tự giống những sai phạm trước đó của một loạt các cán bộ đứng đầu nhiều tỉnh, thành về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước.
Vụ việc của ông Hoàng và ông Nam cùng một số cán bộ các bộ, ngành, địa phương bị kỷ luật trước đó như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng… cho thấy, có một thời kỳ công tác quản lý, công tác cán bộ vẫn còn lơi lỏng… dẫn đến những hậu quả vô cùng đau sót.
Đặc biệt như trường hợp ông Trần Văn Nam, người vừa "lọt" qua hàng loạt các khâu nghiêm ngặt về công tác cán bộ từ giới thiệu, rà soát, tuyển chọn để rồi “ngang nhiên” ngồi vào “ghế” của một Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy... Điều này cho thấy một số “quan tham” đã bằng các thủ đoạn tinh vi để leo cao, luồn sâu. Điều này cũng thêm một lần nữa cho thấy vẫn còn những kẽ hở trong công tác cán bộ đã được đề cập rất nhiều nhưng vẫn chậm được khắc phục hiệu quả. Số cán bộ đánh mất lòng tự trọng, liêm sỉ vẫn còn tồn tại trong bộ máy công quyền.
Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng các cấp, những con người đánh mất tự trọng ấy lại tham gia một cuộc “chạy đua marathon” với những bước chạy không bao giờ kết thúc: Chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... Và cũng chính sự thờ ơ, vô cảm, thiếu dũng khí của một số đảng viên đã "chắp cánh" cho những tham quan này tồn tại, bay cao.
Phải chăng tình trạng này là do thiếu dân chủ trong việc giới thiệu quy hoạch, giới thiệu nhân sự. Còn kẽ hở trong quy trình, thủ tục thẩm định, đề bạt, điều động, bổ nhiệm? Và cũng vì vậy mà Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vẫn phải đau xót thừa nhận: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ”.
Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Bác khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"; "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Và những tư tưởng của Người về công tác cán bộ vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và tận mai sau.
Một lần nữa chúng ta phải khẳng định lại: Muốn lựa chọn được cán bộ có tâm, xứng tầm thì những người làm công tác này phải hết sức thận trọng, đảm bảo nguyên tắc, minh bạch, công tâm trong chọn lựa, giới thiệu. Đặc biệt, trong việc chọn lựa cán bộ, dứt khoát không để lọt những người cơ hội chính trị, giỏi “luồn lách” nhưng non tài, kém đức như những “con lươn”, “con chạch” lọt vào quy hoạch.
Muốn thế, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ những lời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn về công tác cán bộ. Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong các hội nghị khác nhau liên quan đến công tác cán bộ: Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.
Thiết nghĩ, muốn làm được điều này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người làm công tác cán bộ phải thực sự lắng nghe tiếng nói của toàn Đảng, toàn dân để tránh sót nhân tài và loại bỏ những kẻ cơ hội, không đủ tiêu chuẩn ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bởi dù là cán bộ cấp cao hay cấp thấp đều từ dân mà ra, thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà dân giao phó. Và chính sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp cũng chính là thước đo, hiệu quả của người cán bộ… Đó cũng chính là căn cứ chọn lựa, sàng lọc được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng và đội ngũ cán bộ các cấp nói chung xứng tầm, đáp ứng cả nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, “không có vùng cấm” của Đảng thể hiện rất rõ trong vài năm qua khi hàng loạt cán bộ "nhúng chàm" bị xử lý nghiêm minh. Và cũng từ đây, bài học về công tác cán bộ càng đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết trong việc lựa chọn cán bộ trong thời gian tới như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII vừa diễn ra: Việc giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021- 2026 là một công việc rất hệ trọng, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới./.