Doanh nghiệp tăng cường dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Doanh nghiệp tăng cường dự trữ nguồn hàng
Như thường lệ vào dịp cuối năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng đột biến, hiện ngành Nông nghiệp đã có kế hoạch để triển khai các giải pháp sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng Thủ đô.
Tính đến nay, sản lượng gia cầm đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân Thủ đô; sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn… đáp ứng 70%-90%; nhưng nguồn cung thực phẩm chế biến mới đáp ứng được hơn 20% nhu cầu tiêu dùng.
Để bảo đảm đủ nguồn cung cho thị trường, doanh nghiệp chế biến thực phẩm có vai trò rất quan trọng trong điều tiết. Bà Phạm Thị Huân, đại diện Công ty Cổ phần Ba Huân cho biết, dịp lễ tết năm 2023 tới đây, Công ty đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa bằng nhiều hình thức. Đồng thời, Công ty cũng cam kết sẽ giữ bình ổn giá trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Với quy mô chuồng nuôi 300 con lợn mỗi tháng, hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm đưa ra thị trường khoảng 30 tấn thịt lợn, 4-7 tấn giò, chả, xúc xích. Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường (huyện Quốc Oai) cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán, số lượng sản phẩm có thể tăng 10-20% để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm Đinh Thị Hải Yến cho hay, hiện nay Công ty cung cấp hàng cho 300 điểm bán tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Công ty mong muốn sự hợp tác với các đơn vị nuôi trồng để tìm kiếm vùng nguyên liệu theo tiêu chí sạch, an toàn của công ty đề ra, để cung ứng nông sản tốt đến tay người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Phối hợp với các địa phương, đưa hàng hóa về Hà Nội
Mới đây, tại Hội nghị công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Bộ Công Thương tổ chức, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tăng từ 15%-30% tùy từng mặt hàng.
Do đó, Thành phố đã sớm triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 kéo dài đến hết tháng 5/2023 với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội.
Trong đó, có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1.269 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 517 bếp ăn tập thể. Thành phố đã tổng hợp và gửi thông tin nhu cầu vay vốn của 9 đơn vị tham gia Chương trình với tổng số vốn là 889 tỷ đồng tới các tổ chức tín dụng để chủ động kết nối vay vốn ngân hàng.
Riêng về lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (trong 3 tháng trước, trong và sau Tết), Thành phố đã chuẩn bị 290.100 tấn gạo; 57.900 tấn thịt lợn, 19.200 tấn thịt gà; 16.050 tấn thịt bò, 387 triệu quả trứng gia cầm, 322.500 tấn rau củ; 15.900 tấn thực phẩm chế biến; 15.900 tấn thủy hải sản; 156.000 tấn trái cây... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết trung bình từ 15%-30% so với Tết 2022. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng, đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Hà Nội cũng đã triển khai phục vụ Tết cho nhân dân tại toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn. Theo đó, đưa vào vận hành thêm 5 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn lên 85 điểm.
Thành phố chuẩn bị tổ chức nhiều chương trình, sự kiện phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2023 như: Hội chợ nông sản, Sự kiện tuyên truyền, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, 4 hội chợ xuân, 86 điểm chợ hoa Xuân, chương trình Happy Tết. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để bảo đảm đưa hàng hóa về Hà Nội, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ 131 xe chở hàng hóa thiết yếu của 23 doanh nghiệp được lưu thông 24/24 giờ để bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết.
Diệu Anh